đâu. Từ tháng Tám trở ra, trời Bắc Việt nặng những mây mù, đìu hiu một
ngọn gió hanh hao, lành lạnh, gợi nhiều niềm tưởng nhớ xa xưa.
Lòng mình không buồn não ruột, nhưng sầu nhè nhẹ và mình ưa cái sầu
đó, bởi vì nó không hại người mà lại nên thơ. Đó, chính ở trong tâm trạng
đó mà thưởng thức một bữa thịt chó thì không còn gì hợp lý, hợp tình, hợp
cảnh hơn.
Lòng đương lạnh tự nhiên thấy ấm; đời đương bàng bạc bỗng tươi lên
một nét đậm mầu. Một thức ăn mà có lúc thay đổi được cả nhân sinh quan
của người ta, âu cũng là một cái lạ ít khi thấy vậy.
Vì thế, nhiều khi ngồi trong nhà trông ra giàn thiên lý để cho lòng lắng
xuống, tôi vẫn thấy cần phải tha thứ cho những nhà tu hành chỉ vì quá yêu
cái đẹp, cái ngon, cất lẻn ra đi xơi thịt chó mà bị mang cái tiếng xấu là “hổ
mang, hổ lửa”.
Chao ôi, một Lỗ Trí Thâm, một Hồ Quỳ, làm sao mà chịu được sự câu
thúc của một thủ tục chật hẹp không cho người ta sống tự do - tự do tư
tưởng, tự do thưởng thức, tự do ẩm thực?
Nếu tôi có tài, tôi quyết sẽ phải viết một loại bài đăng báo cổ xuý những
nhà hữu trách trong các giáo phái nên để cho các vị tu hành “đả cẩu” tự do,
và hơn thế, lại dùng thịt chó vào trong lễ tam sinh nữa, bởi vì theo các
truyện kể trong dân gian thì dường như các ông thổ địa, các ông Thần Trà,
Uắt Lũy, kể cả vua Diêm Vương nữa, cũng ưa món ấy. Thần mà còn thích
thịt chó, huống chi là người!
Trong các truyện cũ của Tàu, người ta thường thấy có những con hồ ly
tinh gần thành chánh quả mà chỉ vì trong một lúc thèm thịt đàn ông, con trai
đã làm điều càn bậy để đến nỗi phí cả mấy ngàn năm tu luyện.
Ngồi mà suy nghĩ, tôi tưởng thịt đàn ông con trai, đối với các con tinh
cái, ngon bất quá cũng chỉ bằng đến thịt chó đối với chúng ta là cùng.