đầm, thân thể cứ căng ra mà lại mặc một cái quần cóc se, rất chật, đi núng
na núng nính như biểu diễn rum ba ngoài phố.
Ăn một miếng, ngon liền; hai ba miếng, được đi; nhưng đến miếng thứ
tư mình thấy khẩu cái nó nhàm, “không vô” nổi nữa. Thế là tại làm sao? Tại
“sà bần” thừa chất gì chăng? Hay là tại thiếu một thứ rau gì mà ở trong
Nam này không có sẵn?
Chao ôi, hẩu lốn thì khác hẳn...
Một buổi chiều đông, hoa rét trở về với mưa xanh, gió thu, anh bước vào
nhà, tự nhiên thấy ngào ngạt một mùi thơm... Hỏi: “Ờ, nhà làm món gì mà
ngát thế?”. Đáp: “Hôm nay lạnh, làm món hẩu lốn ăn đấy mà!”
Vợ đã biết tính chồng hơi khó, thích món gì mà không đủ vị thì hay
“lẫy”, cho nên từ buổi trưa đã phải mua đủ các thứ rau cần thiết như thìa là,
cải cúc, cải xanh, rau cần... Bao nhiêu thứ đó rửa sạch, để cho ráo nước.
Xong đâu đấy, mới đi lấy tất cả những món ăn còn lại của bữa cỗ hôm qua
để riêng ra một chỗ, đợi giờ chồng về thiếu mười phút thì bắc vấu lên bếp,
bắt đầu làm món ăn thích ý của chồng. Bát thịt lợn ninh với măng khô cho
vào trước, rồi đến bát miến, long tu, bào ngư, vây, bóng, kế tiếp trút vào
sau. Lại còn đĩa gì kia nữa? Giò, chả cũng cho vào nốt, và cho vào luôn cả
mấy miếng phì tản, thịt quay, mấy cuộng hành, và chớ có quên đĩa thịt gà
luộc và bát chim hầm với hạt sen và cốm!
Lửa reo lách tách như cười. Từ cái vấu tỏa lên một ngọn khói lam huyền
ảo. Người nội trợ gia mắm, muối vừa vặn ngon thì chồng đã thay quần áo
xong rồi, mà người nhà cũng bày bàn kê ghế đâu vào đó. Mời ông ngồi
trước, xong rồi đấy! Có uống rượu thì lấy chai rượu sen ở ngăn dưới cùng
tủ buýp phê, chớ cái chai để ở trên mặt tủ là thứ xoàng, uống phí công đi.
Người vợ vừa nói vừa lấy rau ở trong rổ cho vào vấu: rau cải cho vào trước,
rồi đến rau cần, cuối cùng là thìa là, tất cả trộn lẫn, vừa tái thì bắc ra, đập
một quả trứng, đảo lên vài nhát nữa rồi trút ra bát lớn.