phải theo cho được vừa lòng, xứng ý nhau; nhưng cứ mỗi lần nể nhau như
thế thì lại càng sợ ăn quá lắm.
Điểm đặc biệt của hẩu lốn là làm cho người ta tẩy được tất cả cái gì béo
ngậy, ngán ngẩn của ba ngày Tết mà vẫn cứ thưởng thức được tất cả cái
ngon lành của Tết.
Ngày thường, nấu hẩu lốn còn có thể thiếu thức này thức nọ, chớ đến
ngày Tết thì đủ, không còn thiếu món gì. Thịt kho tàu, miến vây, bóng, bào
ngư, long tu, nấm dưa hành, giò gà, thịt bò kho, kim tiền kê... và bao nhiêu
thứ rau thơm mát như da người thiếu nữ đương tơ. Không cần phải thưởng
thức, những trông một bát hẩu lốn thế cũng đã thấy đê mê tâm hồn rồi.
Màu xanh tươi của hành, rau kết hôn với màu vàng quỳ của thịt kho tàu,
nấm hương, mộc nhĩ, chim quay, màu hoa hiên của cà rốt sát cánh với màu
bạc ố của vây, miến, long tu; màu xanh nhạt của nước dùng hòa với màu
trắng mờ của nấm tây, thịt thăn luộc, chân giò hầm, tất cả lung linh trong
một làn khói lam uyển chuyển: à, ngồi trước một bát hẩu như thế, mình quả
thấy mình là một ông tiên chống gậy một sớm mùa thu đi vào một cánh
rừng mù sương và ngát hương.
Có người gọi hẩu lốn là “Long vân khách hội” - rồng mây gặp gỡ nhau -
nghĩ cho kỹ thì cũng không có gì là quá! Ăn một bát hẩu lốn đầy đủ như thế
- nhất là nấu lối hỏa thực, nghĩa là để ngay cái lò trước mặt, nấu sôi lên rồi
gắp ra ăn liền... sướng không để đâu cho hết. Ăn như thế, mình có cảm giác
may mắn suốt năm. Chẳng nói xa xôi làm gì, vợ chồng con cái ngồi thưởng
thức với nhau một bát hẩu lốn thật ngon, thật nóng, ngay lúc ấy cả nhà cũng
đã thấy vui ra phá. Ông chồng ăn miếng ngon vào miệng như thấy nở gan
nở ruột, nhìn vợ mà thấy đẹp hơn. Ờ, ra từ hôm Tết đến nay vợ chồng túi
bụi, người thì lo đi lễ, người thì lo tiếp khách, vợ chồng quên mất cả nhìn
nhau. Đến hôm nay, hóa vàng tiễn các cụ về rồi, ngồi nhởn nha thưởng thức
món hẩu lốn do vợ làm, vừa lúng liếng nhìn vào mắt vợ - ờ nhỉ, sao hôm
nay má hồng thế, mà con mắt đen rưng rức thế? Thì ra vợ nấu được bát hẩu