lốn ngon, làm được cho chồng xứng ý, cũng thấy cõi lòng hớn hở, vì được
vui cái vui của chồng.
Món hẩu lốn, tổng hợp của các món ăn ngon ngày Tết, còn là thành tố
của tình yêu gia đình nữa. Ngày Tết, ăn hẩu lốn tức là con cháu thừa hưởng
kết tinh các món ngon bày lễ do người chết còn để lại cho người sống; giữa
người sống với người sống, món hẩu lốn xiết chặt tình thân yêu lại với nhau
vì bố cũng như con, chồng cũng như vợ, thưởng thức món đó đều chung
một tâm sự như nhau là không thể có món ăn ngày Tết nào “lâm ly” hơn
thế.
Bao nhiêu chất ngấy của thịt kho tàu, chân giò ninh, chả gà, giò thủ...
nấu chung trong hẩu lốn đã biết đi đâu mất hết, mà nước dùng của nó lại có
thể thanh như vậy? Đó là một bí quyết chưa ai khám phá ra. Chỉ biết rằng
ăn một bữa hẩu lốn như vậy thì lòng người ta hình như cũng dịu hiền đi,
chồng thương vợ, vợ yêu chồng, đến khi có họp nhau lại rút bất hay đánh
tam cúc thì cười vui ra phá, chớ không có sự càu nhàu, trách móc ‘ ôi.
Về tối, mưa xuân lún phún ở trên các chòm cây. Gió heo may rì rào giục
người ta đóng cửa, đi nghỉ sớm. Sắp thiu thiu ngủ rồi, chồng hãy còn nhớ
đến bát hẩu lốn buổi chiều bốc khói lên nghi ngút ở bên cạnh nồi cơm gạo
mễ trì thổi vừa vặn, hạt nào hạt nấy cứ óng như là “con ong”. Cải xanh, cải
cúc và rau cần non, vừa tái, nhai vào sậm sựt, ngọt lừ, đến bây giờ dường
như vẫn còn để lại một dư vị nơi khẩu cái cùng với cái ngát thơm của thìa
là... Và tự nhiên lòng mình thấy phơi phới thương yêu - yêu thương người
vợ bé nhỏ, biết đón chiều ý thích của người chồng không muốn mâm cao cỗ
đầy, chẳng thiết nem công chả phượng...
Tiếng cười ở bên cạnh vọng sang cho biết rằng hội tam cúc ở nhà bên
vẫn chưa tàn. “Đây, kết nhất bộ nhị đây”, “Tôi xe pháo mã”, “Có ai có pháo
không, không có, mã tôi ăn đây này!”