Người đâu mà lại “lỳ xì” đến thế là cùng! Hàng năm bảy chục người,
hàng tám chín chục người đứng vòng lấy gánh hàng của anh ta, chật cả một
cái hè đường để mua ăn, để “đòi ăn” - phải, họ đòi ăn thật - mà anh ta cứ
làm như thể không trông thấy gì, không nghe thấy gì.
Anh ta cứ thản nhiên, thái thịt, dốc nước mắm, rưới nước dùng - ai đợi
lâu, mặc; ai phát bẳn lên; mặc; mà ai chửi, anh ta cũng mặc.
Đi ôtô đến ăn cũng thế, mặc áo vải đến ăn cũng thế; các bà các cô đẹp
đáo để, đến ăn cũng thế. Anh ta không đặc biệt riêng với ai - kể cũng dân
chủ đấy! - nhưng có nhiều bà tức vì anh ta không nịnh đầm.
Ghét quá. Thế thì thuê một cái nhà rộng, mượn thêm người làm có phải
lợi không? Hay là điều đình với xưởng củi người ta để cho một gian, bày
mấy cái bàn, cái ghế, có người trông nom, tính tiền cẩn thận có phải không
mất mát không?
Mặc cho ông cứ nói, anh phở Tráng không trả lời - nhất là không bao
giờ cười.
Trông mà lộn ruột, muốn tát cho một cái. Chết một nỗi ghét người thì
thế, nhưng đến cái phở của anh ta muốn ghét, không tài nào ghét được.
Có ai chen chúc vất vả, hò hét đứt hơi được một bát phở của anh, mà lại
chưa ăn ngay, còn dừng lại một phút để ngắm nghía, phân tách bát phở đó
ra thế nào không?
Thật là kỳ lạ! Bánh phở không trắng và dẻo hơn, thịt thì cũng chẳng
nhiều, nhưng mà làm sao ngon lạ, ngon lùng đến thế? Chưa ăn đã biết là
ngon rồi.
Cứ nhìn bát phở không thôi, cũng thú. Một nhúm bánh phở; một ít hành
hoa thái nhỏ, điểm mấy ngọn rau thơm xanh biêng biếc; mấy nhát gừng
màu vàng thái mướt như tơ; mấy miếng ớt mỏng vừa đỏ màu hoa hiên vừa