hương vị thứ bánh cuốn cụ Còng cũng thoang thoảng như vậy, không thể
lấy riêng một món nào để làm tiêu chuẩn cho sự ngon lành.
Có lẽ tất cả bánh, nước chấm và nhân cùng hòa hợp lại mà tạo ra một cái
ngon “toàn diện”, chớ không phải riêng bột ngon hay là nhân ngon.
Mọi thứ đều tiết tấu như thế, người ăn bánh, nếu gia nhiều ớt quá vào
nước chấm, có thể làm hại cho sự quân bình của cái ngon. Vì thế, bà cụ
Còng không thích để cho khách hàng pha lấy nước chấm và hễ thấy ai gia
nhiều ớt quá thì cụ ngăn tay lại.
Không phải là cái chuyện hà tiện quả ớt đâu, nhưng phàm ăn cay quá thì
cái cay nó bắt người ta để hết tâm não vào nó thành quên mất cái ngon của
bánh. Mà tội vạ gì lại ăn cay quá? Nó chỉ hại mắt, chứ ích lợi quái gì
Tôi còn nhớ lúc đó mỗi khi thầy tôi dùng bánh thì tôi thỉnh thoảng lại
được thí cho hai chiếc - và có hai chiếc, không hơn! Trông bánh thèm quá,
muốn ăn thêm một chiếc mà không tài nào có tiền! Biết bao hôm, ăn xong
hai chiếc bánh, vào nhà trong nằm võng kẽo cà kẽo kẹt, tôi đã ức ngầm về
nỗi không hôm nào được ăn bánh cho thỏa thích. Bánh này, thả ra, phải ăn
cả một thúng mới đã đời!
Ba mươi mấy năm đã qua rồi, bà cụ Còng nay đã chết, nhưng bánh cuốn
của cụ, tôi lại thấy hiện ra ở trong bánh của nhà Ninh Thịnh, tuy rằng hình
dáng có khác nhau chút ít - một thứ gói tròn và một thứ gói vuông.
Có lẽ cách làm của hai thứ bánh này cũng chẳng khác nhau mấy tí;
nhưng không hiểu tại bột, tại thịt hay tại nấm hương, mộc nhĩ bây giờ
không được bằng thời trước, hay chỉ tại người mình cùng với ngày tháng có
suy đi, mà tôi không thể nào thấy cái thèm muốn ăn cả một thúng hàng trăm
cái bánh như ngày trước nữa!