Những người nào xót ruột cứ trông thấy một đĩa rau ghém đủ vị như thế
cũng phải bắt thèm và muốn ăn bánh đúc nộm ngay.
Cây chuối con thái ra thật mỏng, được ít nào thì cho vào một chậu nước
lã có đánh một tí phèn, đặt vào đĩa, trông như những cái đăng ten trắng
muốt; ngổ Canh và kinh giới thì xanh màu ngọc thạch; rau thơm sẫm hơn,
còn tía tô màu tím ánh hồng: tất cả những thứ rau đó không cần phải ngửi
cũng đã thấy thơm thơm ngan ngát lên rồi, mà mát, mà mát quá!
Dầm mỗi thứ rau đó vào một ít nước nộm rồi điểm mấy sợi bánh đúc
trắng ngà, và một miếng, anh sẽ thấy là ta và vào miệng tất cả hương vị của
những thửa vườn rau xanh ngắt nơi thôn ổ đìu hiu.
Nhưng không phải bánh đúc chỉ ăn theo lối nộm. Ở nhà có các cụ bà có
tuổi, người ta còn ăn bánh đúc nham.
Nham có ý ngấy hơn nộm một chút. Đáng lẽ là giá chần thì đây là hoa
chuối bao tử thái nhỏ, rồi tùy theo sở thích của từng nhà, đem trộn thật đều
tay với vừng trắng rang thơm, lạc giã nhỏ, thính, bì thái chỉ hay tôm gạo.
Có nơi lại làm nham với cua đồng thứ nhỏ, xé đôi, rang lên cho vừa vàng;
người ta bảo ăn thế giòn, nhưng người nào không quen thì có thể cho như
thế hơi tanh một chút.
Tất cả những thứ đó xâm xấp nước, gia thêm một tí mắm tôm chưng, lúc
ăn chấm nước mắm ớt vắt chanh, mát cứ như quạt vào lòng! Nham nhà
chùa thì có ý thanh đạm hơn: không có bì, không có tôm gạo, vị hơi ngọt vì
cho thêm đường.
Bánh đúc mềm nhưng giòn, ăn với nham chay, dẻo cứ quẹo đi, tạo một
phong vị đặc biệt; người ăn cảm giác lòng mình lâng lâng, nhẹ nhõm, như
đương ở một chỗ phồn hoa ầm ĩ vào một chốn đình chùa thanh vắng có bể
nước mưa, liếp tre và ao ở đằng sau, êm lặng đến nỗi thấy cả tiếng cá đớp
bọt nước ở dưới đám bèo ong bèo tấm.