“tác phong ăn Tết” ở Bắc không thể nào không nhớ tới những chiếc bánh
xuân cầu bé bé, xinh xinh, có đủ các sắc tươi màu của một bức họa Gôganh.
Hỡi cô con gái đỡ tay bếp núc cho mẹ trong ba ngày Tết! Cái chảo mỡ
đun mà chưa thật nóng bỏng lên thì cô chớ có thả bánh xuân cầu vào vội mà
hỏng đấy. Bánh này làm ra sao? Có bột nếp và còn gì nữa? Có gia một chất
vị gì kỳ lạ không? Tôi nhớ lúc còn bé ngồi xem mẹ rán bánh xuân cầu, tôi
vẫn thấy mẹ tôi kể chuyện chỉ có một làng ở Hải Dương là làng Xuân Cầu
làm được bánh này thôi. Ngày Tết, khắp Bắc Việt đều mua bánh đó và từ
sáng mồng một, nhà nào cũng rán vài đĩa để trước cúng sau ăn.
° ° °
Bánh vuông bằng hai ngón tay và mỏng như tờ giấy bản. Bỏ nhè nhẹ
vào trong chảo mỡ nóng, cái bánh nở phồng ra như một nụ thủy tiên hàm
tiếu. Mà có khi lại đẹp hơn nhiều, là vì hoa thủy tiên đẹp cao nhã và đứng
đắn, chớ cái bánh xuân cầu nở ra thì đẹp một cách rạo rực, trẻ trung. Những
màu xanh, đỏ, trắng, tím, vàng, của từng chiếc bánh, lúc chưa rán, có hơi
lờn lợt, nhưng rán rồi thì tươi lạ là tươi.
Gắp từng chiếc ra, vỗ vào thành chảo cho ráo mỡ rồi để vào đĩa, hỡi
người em yêu ạ! Nhè nhẹ tay thôi, kẻo bánh nó đau, mà rạn nứt như cái
bình đựng mã tiên thảo ở trong bài thơ của thi sĩ Pơruyđom đấy! Đĩa thì
trắng, màu sắc của bánh thì tươi, ta cảm giác như đứng trước một núi hoa
đủ các sắc màu vui mắt, và khẩu cái của ta tiên cảm là nếu nhón lấy ăn luôn
một chiếc thì ngon đáo để. Không, cái ngon đó có thấm vào đâu! Phải chờ
cho bánh hơi nguội đi một chút, rưới mật lên trên, cái đẹp và cái ngon của
bánh mới đến chỗ tuyệt đỉnh và người ta mới cảm thấy hết cả cái sướng ở
đời được ăn một thứ bánh bùi, béo, ngọt, cứ lừ đi, mà trôi đến cuống họng
thì lại thơm phưng phức!
Ngày Tết, người Tàu có bánh bìa, người Nhật có bánh đậu đen và ngày
Chúa Giáng sinh, Tây có bao nhiêu là thứ bánh bằng bơ, phó mát, hạnh