Nhưng đã dùng rươi thì muốn ăn cách nào cũng thế, cần phải cho đủ cay
mới được; ớt làm nổi hẳn vị rươi lên một cách thần tiên, ăn một miếng, húp
một ít nước cho gia vị thật vừa, ta nghe thấy dâng lên một phong vị rất lạ
lùng: béo, vừa đủ ngọt, không bùi hẳn như nhộng mà nhai lại hơi sừn sựt -
và ta tưởng tượng như ta ăn những con ong non mới lấy ở khoái ra, thơm
vừa vặn, không ngào ngạt nhưng ý nhị.
Thêm vào đó, trần bì (vỏ quýt) thơm một mùi hăng hăng, lá gấc ngọt
thoang thoảng, thìa là và rau mùi thơm cái mùi thơm của hoa cỏ đồng quê;
tất cả nâng đỡ lẫn nhau, hòa hợp với nhau để tạo nên một hương vị thật tiết
tấu, tưởng chừng như một bản đàn tuyệt diệu, chỉ thiếu một nét là hỏng cả.
Phổ thông hơn cả là chả rươi. Rươi trộn với thịt băm, đập trứng, thìa là,
thêm vài nhát vỏ quít băm nhỏ, tất cả ướp với nước mắm ngon, trộn đều, đổ
vào chảo, rán nho nhỏ lửa thôi; món này thơm “chết mũi”, láng giềng, hàng
xóm ngửi thấy không chịu được.
Lúc ăn, cho tí hạt tiêu, điểm mấy cái rau mùi, dùng lúc đương nóng hổi.
Rươi hấp ăn thanh hơn một chút: cũng thịt, hành củ, vỏ quít, thìa là và
nước mắm (xin đừng quên dăm sáu tai mộc nhĩ cho thơm mà giòn) nhưng
không dùng đến mỡ, chỉ trộn đều rồi hấp.
Vì rươi là một món ăn hiếm có trong một năm lại được người ta yêu
chuộng, nên nhiều nhà tìm cách giữ rươi để có thể gửi biếu xén bạn bè,
quyến thuộc ở xa hay là giữ để ăn dần, thỉnh thoảng một chút, cho sướng
ông thần khẩu.
° ° °
Có thể giữ rươi theo hai lối: rươi rang hay là làm mắm rươi. Rươi rang
mà muốn làm cho cẩn thận thì nên dùng nồi đất lót lá chuối rồi để rươi lên
trên, rang đều tay một lát rồi lấy một cái nồi đất khác chụp lên, đốt rơm như