MIẾNG NGON HÀ NỘI - Trang 65

lên trên. Màu mắm vàng tươi nổi bật hẳn lên trên màu trắng trong của men
bát, màu xanh mát của rau, màu vàng nhạt của gừng và màu vàng thẫm gần
ngả đỏ của vỏ quít, ai không biết ăn mắm mà trông thấy cũng phải thèm lên
thèm xuống.

Ăn mắm sống mãi mà chán thì đem chưng lên. Chưng mắm với trứng,

gia một cùi dìa đường tây vào rồi khuấy lên như khuấy bột, mắm gần đặc
thì cho vỏ quít, lạc rang vào.

Thứ mắm chưng này cũng ăn với rau sống, nhưng gia thêm một hai

nhánh tỏi tươi thì lại càng nổi vị hơn. Thơm gọi là nức mũi! Người ốm phải
ăn kiêng, lắm lúc thấy không chịu được, cũng cố đòi ăn một miếng.

Nhưng mà coi chừng đấy nhé! Một, hai miếng mắm ăn vào tưởng là

chiều ông Thần Khẩu tí ti chẳng có gì quan hệ, ấy thế mà chưa biết chừng
chỉ chiều hôm trước, sáng hôm sau là thấy kiến hiệu ngay. Nhất là đàn bà
mới ở cữ thì lại càng nên thận trọng.

“Chín tháng ăn rươi, mười tháng ăn nhộng”, qua câu tục ngữ đó có phải

các cụ muốn khuyên những người đàn bà ở cữ mà kiêng chưa được đủ chín
tháng thì đừng nên dùng món rươi chăng? Hay đó chỉ là câu: “tháng Chín
ăn rươi, tháng Mười ăn nhộng” mà dân gian truyền khẩu rồi hóa ra sai lạc.

Dù sao, ta cũng thấy món rươi đi rất sâu vào văn nghệ Việt Nam. Nội

trong các món ăn thuần túy của đất nước tôi nghĩ rằng có lẽ món rươi được
nhắc nhở đến nhiều nhất trong văn nghệ bình dân; không những rươi đã làm
chủ đề cho nhiều câu tục ngữ phương ngôn, mà lại còn là một thứ thách đố,
một đầu đề khuyên răn, một phương pháp xem thiên văn của những người
dân chất phác.

Này, cứ ngồi ngẫm nghĩ thì có món ăn nào trên thế giới lại được nhắc

đến nhiều và được dân gian thi vị hóa đến như thế hay không?

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.