người ta lại muốn ăn thêm, ăn thêm rồi lại muốn ăn thêm mãi, kỳ cho đến
mỏi răng. Ngô rang có một sức quyến rũ thật tình kỳ ảo.
Người Tàu có cái hạt dưa, cái phá sa, chẳng cần phải mời thì ai trông
thấy cũng cầm lấy ăn tự nhiên; ta có cái ngô rang cũng thế, cứ trông thấy là
phải vớ lấy dăm bảy hạt “ăn chơi” một chút cho thơm - miễn là ông
không... móm!
° ° °
Tôi còn nhớ mãi những buổi tối mưa phùn gió bấc ở trong cái làng đồng
chiêm lầy lội, lúc còn tản cư vùng Hà Nam. Rét năm ấy có thể bảo là rét
nhất nước ta: tối đến, nhà nào nhà nấy đóng cửa lại, sang bên tôi đốt mấy
cây “gộc” thật to ủ trấu, ngồi sưởi ấm. Quà nhà quê chẳng có gì, nhưng thấy
họ sang chơi mà mang theo sang biếu mình một rá con ngô rang, ủ thật kín
bưng, thì mới có thể biết là lòng người ta thương yêu nhau đến chừng nào.
Ăn cái hạt ngô như thế mà cảm động, mà thấy ngon quá chừng là ngon, chỉ
sợ hết mất thì tiếc quá.
Chui vào chăn bông... mà “hầm” đi! Chong ngọn đèn xanh lên, vừa
nhắm nhót từng hạt vừa tìm đoạn sách nói về Tào Tháo lập xong thế trận
“liên hoàn” cầm ngang ngọn giáo trông ra sông Xích Bích ngâm thơ, thì
mình tự thấy mình - một kẻ phàm phu - trong một lúc cũng có một tâm sự
hào hùng như nhân vật trong cuốn truyện!
Nhưng ta đừng tưởng rằng ngô chỉ ăn về mùa rét - và chỉ ăn về mùa rét
mới ngon.
Cái văn hóa Âu Tây tài quá, không thể nào ngờ được.
Này, đến cả cái ngô tươi là thế mà họ cũng vào trong hộp kín đấy, để cho
ta mua về ăn suốt bốn mùa. Các tiệm cao lâu lấy ngô đó làm “Ngô cáy
dùng” ăn ngọt đáo để, nhưng riêng tôi không thích gì bằng mùa hè, trời oi
bức, thỉnh thoảng buổi trưa lại dùng một chén chè ngô nho nhỏ.