kỳ một chút.
Lòng cá bỏ mật, ken, rửa sạch, băm nhỏ với gừng, tỏi, ớt rồi trộn với vài
thìa lạc rang giã nhỏ, một thìa vừng trắng rang thơm cũng giã nhỏ, rồi cho
một thìa bỗng rượu hầm và một thìa mật mía.
Tất cả những thứ đó xào cả lên cho đều tay với hai thìa mỡ nước, một
thìa nước mắm và một nửa bát nước lạnh đun sôi.
Gỏi ăn có một cái thú đặc biệt là có nhiều mùi vị cay, đắng, chua, ngọt,
ngái, hắc, mặn, đủ cả; thỉnh thoảng lại bùi cái bùi của chất lạc, chất vừng,
và của chất bánh đa nướng - chất bánh đa vẫn dùng ăn với chả cá - thơm
thoang thoảng.
Mỗi miếng cá, ăn với một miếng bánh đa và với đủ mặt rau, rưới giấm
xâm xấp vừa đủ nóng, ăn như thế quả là một thú thanh nhã, đậm đà mà
không béo ngấy - dùng mãi không biết chán.
° ° °
Nhưng gỏi không phải là chỉ ăn với cá. Ai sợ tanh có thể thưởng thức
nhiều thứ gỏi làm với gà, với tôm, với dạ dày, với cua, với trứng sam, với
lươn, chạch, hay thịt lợn.
Riêng tôi, ăn gỏi gà tôi thấy thích thú hơn là phở gà, có lẽ vì bún “đi”
với thịt gà và các gia vị như hạt tiêu, hành và các thứ rau như xà lách, thơm,
mùi và lạc rang hòa hợp với nhau hơn.
Lúc ăn, gắp thịt gà xé nhỏ, chan nước dùng rồi đệm rau và bún cùng lạc
rang giã nhỏ. Lối ăn đó thông thường. Có nhiều người muốn đổi vị gỏi gà,
còn làm theo phương pháp sau này: thịt gà giò lấy nạc, thái chỉ, đun nước
sôi chần qua, vắt ráo nước; rau cần tây lấy chỗ non nhúng vào nước sôi;
hành tây thái chỉ: mấy thứ đó trộn đều, rưới nước mắm, đường, tỏi, ớt, trên
rắc lạc rang giã dối rồi chan, ăn.