dịch tuyến của ta.
Mùi thơm quái ác, mùi thơm huyền ảo, nó làm cho ta nhớ đến nhiều kỷ
niệm thiếu thời, lúc ta hãy còn ở trong những căn nhà cổ tối tăm như hũ,
trưa trưa thì mẹ lại gọi hàng bún chả quen ở hàng Bông Nệm hay ở đầu ngõ
Tô Tịch lại để cho con mỗi đứa một mẹt hai xu.
Thời kỳ đó xa xôi lắm rồi, nhưng vị ngon của bún thì không sao quên
được. Bao nhiêu năm đã trôi qua? Đời người ta đã ăn bao nhiêu ngàn, vạn
mẹt bún chả rồi?
Ấy thế mà cho đến tận bây giờ, cứ hồ ngửi thấy mùi thơm của chả quạt
ngoài đường hay trông thấy mẹt bún óng mềm, giữa có một chén nước mắm
trong đựng mươi miếng chả thì ta vẫn cứ thấy còn thèm và đôi khi không
nhịn được, phải tạt vào nhà bạn hữu nào gần đó bảo làm ngay một mẹt ăn
chơi cho thỏa.
Bún thì nhỏ sợi mà trắng, rau rửa sạch trông cứ mát lì đi, chấm nước
mắm thật ngon, rắc một chút hạt tiêu và điểm dăm ba nhát ớt, tất cả mấy thứ
đó nổi hẳn vị lên nếu ta biết cách ăn điểm vào cho thật đúng lúc những
miếng chả nướng vừa vặn một cách thần tình.
Có hai thứ chả: băm và nướng. Muốn ăn riêng một thứ cũng được,
nhưng ăn cả hai thứ chả trong một chén nước mắm, ta dễ thấy được hoàn
toàn vị thơm ngon, nhất là thứ chả băm mềm “đi” với thứ chả miếng sậm
sựt tạo thành một sự nhịp nhàng cho khẩu cái, ngồ ngộ, mà dùng có nhiều
hơn một tí cũng không thấy nản.
Có người lấy làm lạ sao chả của hàng bún lại ngon hơn của nhà làm. Vì
thế, những bà có tính hay nghi đoán rằng có lẽ lúc ướp thịt, hàng bún chả có
thêm “một thứ gì” (mà thứ gì đó hình như là mỡ... cầy); nhưng nhiều người
không nghĩ như thế và cho rằng tất cả nghệ thuật làm cho chả thơm ngon là
lúc đặt gắp chả lên lò than vậy.