của người bán hàng dâng lên trong khói xanh nghi ngút mà lại không thèm
và bảo “quà Việt Nam rẻ, không cầu kỳ mà quả là ăn ngon ra dáng!”
Cũng làm với thứ bún to sợi đó, còn quà canh bún nữa, cũng nấu với cua
đồng, nhưng thêm mấy món rau rút ăn mát mà làm tăng cái ngọt của chất
cua đồng lên bội phần. Nhưng đây là một cái ngọt chất phác của đồng
ruộng, một cái ngọt thật thanh, một cái ngọt khác hẳn với cái ngọt của bún
bung hơi ngậy.
Ai thích ăn quà bún mà xao những mỡ lên thì nên nếm món này; có bún
mát, có nước dùng ngon, điểm mấy miếng đu đủ; dăm sợi dọc mùng, vài
miếng sườn, nấu với cà chua và một chút nghệ óng ánh một màu vàng
vương giả trông thật là vui mắt.
Nhưng mà đẹp mắt hơn và được nhiều người thèm hơn nữa có lẽ là bún
ốc. Đó là một thứ quà, có thể bảo là đã đạt được tới cái đích nghệ thuật ăn
ngon của người Hà Nội.
Ờ, ta cứ thử ngồi mà nghĩ thì có thứ quà gì lại lạ lùng đến như thế bao
giờ? Chỉ mới trông thấy người đàn bà gánh hàng đi qua trước mắt, ấy thế
mà ta đã bắt thèm rồi, bao nhiêu thóa tuyến đều như muốn làm loạn, không
ngớt tăng cường nước miếng của ta.
Nhất là khi người bán hàng đỗ gánh xuống, xếp những khoanh bún trắng
to bằng đồng bạc lên trên cái mẹt đệm một tờ lá chuối xanh, thì có thể nói ta
gần như không thể chờ đợi lâu hơn nữa, phải ăn ngay không có thì khổ lắm.
Ấy là vì cái món ốc lõng bõng trong bát giấm nó quyến rũ người ta một
cách thi vị quá: ốc béo cứ mọng lên; bỗng đậm, lại loáng thoáng dăm nhát
khế, vài cái dong cà chua ngầy ngậy; nhưng tất cả những thứ đó có thấm
vào đâu với làn váng nổi lên trên liễn giấm, óng a óng ánh vàng thắm như
vóc nhiễu...