Cũng vậy, chả cá làm ở nhà cũng kém ngon và do đó không được hoan
nghênh mấy, cho nên chồng thấy rét về thèm bữa chả cá, thường là dắt vợ đi
ăn hay vợ muốn đổi bữa cho chồng, vẫn đề nghị “hay là ta lên chả cá?”
Đi ăn như thế, mà gặp hôm trời lạnh thì nên đi sớm sớm. Muộn một tí,
thường là đã hết rồi vì chả cá ngon chỉ có hai hàng ăn được - mà hai hàng
đó thường là đông khách, lắm khi phải đứng đợi mới có chỗ mà ngồi.
Đứng ngoài mà trông, thèm lắm; nhưng thú hơn, là cái không khí trên
lầu; thoạt để chân lên là mình đã thấy ấm cúng ngay; sự ồn ào, tấp nập, tuy
có làm cho mình hoa mắt lên một tí thực, nhưng mà vui đáo để.
Trẻ hầu bàn chạy cứ nhốn nháo cả lên. Đây, một ông rượu đã ngà ngà
kêu bún; đó, một gia đình phàn nàn gọi mãi “hai chụp gắp chả mà chưa thấy
đưa lên”, lại này một cậu bé hầu bàn nói như bắc loa để cho mọi người nghe
tiếng: “Thưa các cụ, hết cả chả lòng rồi ạ!”
Từ các bàn ăn khói bốc lên nghi ngút, những trông đã đủ ấm rồi. Đưa
cay một cốc mai quế lộ nhấm nháp với lạc rang, ta ngồi đợi chả mà như
cảm thấy có bàn tay bé nhỏ cù vào tim. Đời người đẹp quá.
Người nào người nấy đều như tìm thấy chân hạnh phúc ở cái ăn, chuyện
trò ầm ĩ, bàn tán, chê trách từng cái rau, từng chiếc đũa, từng mảnh giấy lau
tay, và đôi khi lại dỗi hay ghen với bàn bên cạnh. Có ông cầu kỳ hơn một
chút lại gọi lấy một cái lò đất con rừng rực than hồng để lên giữa bàn, rồi
đặt lên trên một cái sanh con; trong cái sanh con đó, người khách sành ăn,
lát nữa, sẽ trưng mỡ rồi nhúng từng miếng chả vào; hay sau khi chán miệng
thì cho hầm bà là cả bún, cả rau thìa là vào đó, đập một quả trứng rồi xào
hẩu lốn lên, lấy ra bát để ăn cho thực nóng.
Bởi vì cái chả cá này, muốn ăn cho thật thú, lắm khi cũng phải cầu kỳ
một chút, không thể nào xong thôi. Nhất là các gia vị thì có những thứ
không thể nào thiếu được: hành, mắm tôm, chanh, ớt, lạc rang, bánh đa