MIẾNG NGON HÀ NỘI - Trang 91

vừng... Còn về rau cũng không nhiều, nhưng thiếu một thứ, bữa chả kém vẻ
ngon đi nhiều lắm.

Đầu vị là rau thìa là và hành hoa. Sau khi đã sửa soạn các đĩa rau và các

gia vị xong rồi, mời ông nâng chén nhắm “chay” vài củ lạc hay mấy miếng
bánh đa; nhà bếp đem chả gắp lên, gỡ ra bát, rồi phủ thìa là rưới mỡ nóng
lên là ta lên đũa... nhắm ngay đấy, đừng có để trùng trình mà nguội!

Trên lớp rau thìa là êm ái mướt xanh như nệm cỏ, những miếng cá nục

nạc màu vàng nghệ nằm thảnh thơi như những đứa bé nằm chơi ở cánh
đồng quê trông thật ngộ nghĩnh và đẹp mắt.

Tiếng mỡ nóng phi hành hoa rưới lên kêu lép bép mới làm cho lòng

khách ăn rộn ràng làm sao! Một miếng bún, một miếng bánh đa, rồi hành
tây, hành ta, rau thơm, mùi, lạc rang, kèm một hai miếng chả chấm đẫm
mắm tôm chanh ớt, và từng miếng to, sau khi đã đưa cay hớp rượu, khà
khà! Béo quá, bổ quá, bùi mà thơm ngon quá...

Rượu đã ngà ngà rồi, ông đảo mắt nhìn chung quanh gian gác mờ mờ

trong bóng tối, mỗi bàn có khói xanh nghi ngút bốc lên cao rồi nhẹ tỏa trên
những cái xà nhà vàng thẫm màu bồ hóng mà nước vôi trắng không thể che
lấp được, ông tưởng tượng mình là một nhân vật trong chuyện Tầu xưa,
ngồi nhắm rượu trên một tầng lầu của một thứ Bồng Lai quán.

Ngon lành mà ấm bụng quá, hiền huynh ạ! Có thể như thế này cứ ngồi

cả sáng đêm. Chả hiểu, họ làm cách nào mà tài thế? Ở nhà, mình đi kiếm cá
chiên, cá lăng hay cá nheo tươi để làm nhưng chả vẫn không được se mặt,
nướng lên vẫn nát, mà nướng quá tay một tí thì lại khô xác, ăn không ngậy.
Ở hiệu, chả bao giờ cũng vừa vặn, không sống mà cũng không khô. Hơn
thế, vị của nó lại đậm đà, thơm phức, quyến rũ lạ lùng. Sở dĩ được như thế,
có người bảo tại hàng chả cá có một bí quyết là gia một chút “mỡ cầy” vào
cá khi đem ướp - chẳng biết có đúng không?

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.