có câu “Tôi buồn rầu ra đi và vui mừng trở lại” không? Thầy đã dạy chúng
tôi đọc bài thơ ấy với các nguyên âm cuối câu kéo dài ra. Theo thầy câu thơ
đó sẽ phải đọc thế này.
— Tôi buồn rầu ra đi… i…i…
Và vui mừng trở lại… ại… ại
Nghe câu thơ đọc ra như vậy tôi tưởng như nhìn thấy một người tha
hương, mù lòa, tật nguyền đang đứng van xin trước cửa nhà. Khi cả lớp
đồng thanh đọc câu thơ, tôi cứ muốn òa lên khóc. Bạn xem đấy, đọc câu:
“Tôi vui mừng trở lại” mà nước mắt tuôn rơi lã chã thì còn ra sao nữa!
Chúng tôi đã chán ngấy mà thầy vẫn cố sức bắt đọc đi đọc lại, giọng
ngân nga như hát vậy. Có lúc, sau khi nghe thầy đọc mẫu:
— Tôi buồn rầu ra đi…
Và vui mừng trở lại… ại… ại
Chợt có một giọng vang lên ở cuối lớp:
— Ừ… thì chào anh!
Anh xéo đi cho tôi nhờ
Ala phù hộ cho anh!
Thầy giáo bực quá quát tướng lên:
— Em nào nói đấy? Đứng dậy xem nào!
Yasa đứng dậy, mặt cúi gầm:
— Em xin lỗi thầy. Em buột miệng nói thế chứ không có ý gì đâu ạ. Em
không cố tình quấy phá.
Thầy giáo nguôi giận và tha thứ cho nó, nhưng cả lớp vẫn phải tiếp tục
đọc đoạn tiếp của bài thơ:
— “Cho tôi xin miếng nước
Tôi đến từ nơi xa”.
Lúc đọc câu “Cho tôi xin miếng nước” chúng tôi phải gào lên. Thật cứ y
như là kêu cứu khi sắp bị kẻ cướp dọa giết chứ không phải là đi xin nước
nữa! Thầy giáo tôi cứ bắt học sinh phải ngâm thơ như thế đấy!
Tôi cũng công nhận rằng, con người cần phải biết sử dụng cho tốt giọng
nói của bản thân. Theo lời ba tôi kể thì ông chủ nhà máy chỗ ba tôi làm việc
là một người biết sử dụng rất tài tình giọng nói của ông ta. Nhiều lần ba tôi