bé thế mà chạy nhanh ghê gớm, kỳ lạ quá các bác ạ…
Ông hàng xóm nhà tôi không chịu kém, xen vào:
— Vâng, đúng thế, cháu gái bên tôi cũng vậy, thật là tuyệt, thật là kỳ
diệu…
Chú tôi đang say sưa, đâu có chịu để mất cơ hội dễ thế. Ông vội vàng kể
tiếp về đứa con kỳ diệu:
— Xin lỗi là tôi ngắt lời ông. Tôi đang kể thế nào nhỉ? À vâng, tôi đuổi,
cháu nó chạy… Cứ như thế mãi mà tôi không bắt được cu cậu. Tôi la lớn:
“Về nhà ngay! Không mày chết với tao”. Nghe tiếng tôi quát nó không chạy
nữa, nó quay đầu lại nhìn tôi và… các bác có biết nó nói gì không? “Này,
sao ông cứ bám lấy tôi như đỉa thế? Cái gì kỳ vậy, ông là mẹ tôi chắc?”.
Các bác có thấy sự thông minh, chặt chẽ trong câu nói ấy không? Tôi cười
thầm: Lý lẽ gớm nhỉ… Thật là một thứ lô-gíc bằng thép! Người lớn chắc gì
đã nghĩ ra được một câu như thế. Khó mà tìm được những từ ngữ chính xác
như vậy!…
Chú tôi kể và cười thoải mái. Chú ấy vừa cười vừa ngắm cậu con quý tử
vẻ thỏa mãn lắm. Ông cười to đến nỗi những người khác muốn giữ lịch sự
cũng phải cười theo. Ông kỹ sư thân ái chúc mừng chú tôi… Nhưng tôi chả
biết có bao nhiêu phần trăm thật tình trong câu chúc ấy:
— Hoan hô… Con trai ông thật là thông minh hiếm có!….
Chú tôi rất thỏa mãn:
— Vâng. Ngài còn chưa biết, mặc dù còn bé, thế mà cháu nó đã rất
thông hiểu sự phân công lao động trong gia đình chúng tôi.
Nó không chịu làm những việc nội trợ bếp núc mẹ nó sai đâu. Nó bé hơn
tôi một tuổi, cậu em họ rất kháu nên tôi cũng yêu quý nó… Nhưng theo tôi,
những việc nó làm hoàn toàn là những hành động hỗn láo với ba mẹ. Thế
mà chú tôi lại có vẻ khuyến khích nó. Ông hàng xóm hồi nay bị ngắt lời
cảm thấy đã đến lượt mình lên tiếng:
— Ngay bây giờ, cháu gái bên nhà tôi đã là một họa sĩ thực sự rồi. Vâng,
nếu các bác được thấy những bức họa của cháu thì phải biết… Các bác sẽ
chẳng tin vào mắt mình đâu. Những người đã khen cháu vẽ đều rất kinh
ngạc. Thật tôi chưa thấy ai như nó.