như bị điện giật, hối hả giục mẹ tôi:
— Nhanh lên… Ông ấy đến đấy… Mở cửa ra, làm gì mà đứng ngây
người ra như thế?
Ba tôi chạy ra cửa sổ, nhoài hẳn người ra ngoài để nhìn xuống đường
phố. Mẹ tôi cuống cả lên vì bị ba tôi giục giã, tất tưởi chạy ra mở cửa,
nhưng bên ngoài làm gì có ai đâu. Thế là được một phen đón hụt!
A, suýt nữa thì tôi quên một điều quan trọng: Từ khi được tin có khách,
mấy ngày liền mẹ tôi dạy Fatos, em gái tôi cung cách xử sự khi nhà có
khách. Có điều mẹ tôi luôn tìm cách dạy Fatos trước mắt tôi và cố ý nói lớn
để tôi cũng nghe được.
Sáng hôm ấy, sau khi nấu nướng xong và chuẩn bị đâu vào đấy, mẹ tôi
mặc cho Fatos một cái áo đầm mới rất đẹp, bắt nó ngồi trước mặt và mẹ tôi
nhắc lại bài học đã dạy mấy hôm rồi. Mẹ tôi vừa nói với Fatos vừa liếc mắt
canh chừng xem tôi còn chú ý nghe không:
— Con gái yêu của mẹ, đừng hờn khi khách đến chơi nhà ta nhé. Trước
mặt khách, con đừng cho tay vào miệng, dơ lắm, nghe con. Đồ ăn đã rớt ra
bàn hoặc rơi xuống sàn, tuyệt đối không được nhặt lên ăn. Con hiểu chưa,
đừng có quên đấy nhé! Khi ho con phải lấy tay che miệng lại. Lúc ăn đừng
có cho đồ ăn đầy miệng, nhai nhồm nhoàm xấu lắm… Phải ăn từng miếng
nhỏ này… Nhai chậm rãi này… Ừ, đúng rồi, con ạ. À quên mẹ dặn thêm
con đừng có nói “ừ” hay “hừ” trước mặt khách nhé.
Fatos nghe khá chăm chú, cuối cùng nó hỏi:
— Thế thì con phải nói thế nào hả mẹ?
— Con phải nói “Thưa ông. Vâng”. “Thưa mẹ, không ạ” hay những câu
lịch sự khác.
Mặc dù thấy tôi vẫn chăm chú nghe, mẹ tôi vẫn có vẻ chưa yên tâm hẳn,
bà gọi tôi lại và dặn thêm:
— Con này, khi khách đến nhà, mỗi lần mở miệng muốn nói gì, dù ngắn,
con cũng phải bắt đầu bằng câu “Kính thưa ông”… cuối câu bao giờ cũng
nói “thưa ông” nhé. Làm thế cho nó lịch sự.
Ở phòng bên ba tôi đứng cạnh cửa sổ, dán mắt xuống đường phố, sốt
ruột đợi ông chủ đến và không ngớt rủa ông ta những lời cay độc. Đột nhiên