nhiên. Cố gắng như vậy là nhằm giải thích nguồn gốc sự vật, không phải
theo đường lối khoa học, hợp lý như ta hiểu ngày nay, song với chất liệu rút
ra từ tưởng tượng thi ca và huyền thoại dân gian. Thi sĩ tự hỏi sự vật triển
diễn xung quanh bắt nguồn từ đâu, thi sĩ muốn giải thích theo kinh nghiệm
thường nhật, như hậu quả của phát sinh tự nhiên hay ý định của con người:
u minh kết hợp với đêm sinh ra ngày; trái đất kết hợp với bầu trời sinh ra
biển cả, sông ngòi.
Tuy không phải triết học, song thần phả sửa soạn cho triết học nảy sinh.
Trong khái niệm huyền thoại đã thấy hiển hiện mầm mống của tư tưởng
triết học, ước muốn làm thế nào giải thích, mặc dù yêu cầu bắt nguồn từ ý
chí và dễ dàng thỏa mãn bằng hình ảnh do tưởng tượng cung ứng. Thần phả
và nguồn gốc vũ trụ biểu thị mức độ tiến bộ đối với huyền thoại; cả hai
nhằm hợp lý hóa thế giới huyền thoại, giải thích nguồn gốc thực thể theo
quan niệm chung chi phối biến chuyển trong thiên nhiên và thống trị sự cố
trong đời sống con người. Dẫu thế ức thuyết vừa kể phần lớn vẫn chỉ là ức
thuyết nhằm thỏa mãn tưởng tượng phơi bày trong thi ca hơn là nhận thức
thể hiện trong lý luận, và ức thuyết đó kết hợp với sức mạnh siêu nhiên hơn
là nguyên nhân tự nhiên. Triết học xuất hiện khi lý luận thay thế hư cảm, trí
năng thay thế tưởng tượng, khi chiều hướng siêu nhiên coi như nguyên tắc
giải thích bị hủy bỏ, khi dữ kiện cụ thể sử dụng làm căn cứ trong việc
nghiên cứu và giải thích. Đó là cố gắng giải thích sự cố liên hệ đến con
người và biến chuyển diễn ra trong thiên nhiên theo cung cách bớt chủ
quan, bớt định kiến, không liên hệ với huyền thoại dân gian, không vướng
mắc bởi nhu cầu thực tiễn. Xuất hiện ở Nam Âu trong thế kỷ VI TCN trong
thời kỳ khai sáng, đó là sản phẩm tự nhiên của tinh thần tra vấn biểu lộ
trong mọi hình thức cuộc sống tâm linh của người Hy-lạp.
Triết học Hy-lạp bắt đầu với việc tìm hiểu bản chất thế giới khách quan.
Thoạt đầu hướng ngoại chăm chú tìm hiểu thiên nhiên, sau đó dần dần
hướng nội tìm hiểu con người. Vấn đề đầu tiên là: thế nào là thiên nhiên, và
do vậy, thế nào là con người? Vấn đề thứ hai là: thế nào là con người, và do