Phaedo
Phaedo kể ngày cuối Socrates ở trong tù. Chấp nhận tử hình ông uống
thuốc độc giã từ tất cả. Ngày cuối vĩnh biệt trần gian ông âm thầm đi vào
cõi chết. Là nhân chứng bi kịch, bi kịch lịch sử đồng thời bi kịch văn học,
đệ tử thân tín của Socrates, Phaedo vùng Elis thuật lại cho nhóm thân hữu
ham triết học hay sự thể, trong số chỉ có Echecrates nêu tên và nói chuyện.
Đối thoại còn kể cuộc đàm luận giữa Socrates và Simmias, Cebes, thanh
niên thành quốc Thebes, linh hồn sẽ thế nào khi con người giã từ thế gian.
Cảnh diễn ra tại Phlius, thị xã nhỏ mạn đông bắc bán đảo Peloponnesos.
Bởi thế về mặt hình thức Phaedo là đối thoại tường thuật hay đối thoại
trong đối thoại. Tuy nhiên, về mặt nội dung, Phaedo không chỉ miêu tả
những gì nói và làm và cũng không chỉ bày tỏ thái độ cảm phục đối với cái
chết quả cảm, hiên ngang của triết gia, Phaedo còn nhằm diễn tả niềm tin
siêu hình, linh hồn bất tử, không thể chứng minh bằng lý luận, vì Plato hiểu
đó là điều bất khả, mà chỉ có thể nhận thức bằng trực giác. Đưa độc giả
đến chỗ chứng kiến cái chết của Socrates, song đối thoại không phải bi
kịch. Bởi trước khi uống thuốc độc Socrates chuyện trò suốt ngày với thân
hữu, làm như chẳng có gì phải bận tâm. Ông nói về chết, không phải chết
của ông mà chết của con người, ông không than vãn, ông chỉ đặt câu hỏi,
nhất là câu: ‘Quý hữu có tin có cái gọi là chết không?’ (64c). Trả lời thắc
mắc thân hữu đưa ra ông nói về linh hồn, bản chất linh hồn, tính cách bất
tử, bất diệt của linh hồn.
Người đến với ông trong nhà tù gồm thân nhân và thân hữu. Thân nhân là
vợ, con nhỏ và nô lệ khi nhà giam mở cửa, dường như ba người đã ở đó với
ông suốt đêm. Nhưng vì sợ bà khóc lóc om sòm lúc giờ cuối cùng tiến tới,
với lòng thương cảm thầm kín, ông bảo tất cả đi về. Có mặt lúc đó chứng
kiến cảnh tượng Phaedo thuật lại cho Echecrates và nhóm môn sinh triết
phái Pythagore ở Phlius hay. Phaedo là người thành quốc Elis mạn Tây xứ