cuộc đời chấm dứt. Như vậy là ngăn chặn linh hồn tái sinh, thành hình từ
nguồn nào đó, hiện hữu trước khi nhập vào thể xác, rồi sau khi làm vậy lại
rời bỏ thể xác ra đi, chấm dứt và tiêu vong.
Đúng thế, Simmias, [c]Cebes nói. Nửa phần những gì cần chứng minh đã
chứng minh, nghĩa là, linh hồn ngô bối tồn tại trước khi ngô bối ra đời,
nhưng bây giờ cũng cần chứng minh linh hồn sẽ tồn tại sau khi ngô bối lìa
đời như trước khi ngô bối chào đời, nếu muốn chứng minh đầy đủ.
Sự thể đã chứng minh, Simmias và Cebes quý hóa ơi, Socrates tiếp lời, nếu
hai quý hữu sẵn sàng phối hợp nhận định này với nhận định ngô bối đồng ý
trước đây, bất kỳ cái gì sống cũng phải từ cái chết mà ra. Nếu hiện hữu từ
trước, vì trở lại cuộc đời và tái sinh, linh hồn không tới từ nơi nào mà phải
tới từ chết hoặc trạng thái chết, [d] cho nên vì phải tái sinh làm thế nào linh
hồn có thể tránh hiện hữu sau khi chết? Điều quý hữu nói lúc đó bây giờ đã
được chứng minh. Tuy nhiên, mặc dù vậy bản nhân nghĩ quý hữu và
Simmias vẫn nên bàn luận điều đó đầy đủ hơn nữa. Quý hữu hình như
mang nỗi sợ trẻ con, lòng canh cánh gió sẽ thế nào cũng đánh tan, thổi bạt
linh hồn lúc linh hồn rời thể xác, [e] nhất là nếu chẳng may con người chết
lúc phong ba bão táp, không phải lúc trời quang mây tạnh, thời tiết êm ả.
Cebes vừa cười vừa nói: Vậy, Socrates, giả dụ ngô bối sợ hãi, tiên sinh phải
biện luận tìm cách thuyết phục đưa ngô bối ra khỏi sợ hãi. Hoặc trái lại, nói
cho đúng, giả thử ngô bối không sợ hãi, song có lẽ trong ngô bối có đứa trẻ
sợ hãi như thế, tiên sinh cũng phải tìm cách thuyết phục nó đừng sợ chết,
làm như chết là con ngáo ộp, ông ba bị không bằng.
Đúng thế, Socrates đáp, quý hữu phải hát bài bùa chú phù phép cho nó nghe
hàng ngày chừng nào nó hết sợ hãi mới thôi.
Nhưng, tiên sinh ơi, Cebes tiếp lời, ngô bối [78a] tìm đâu ra thầy bùa phù
phép tài ba để trừ khử sợ hãi như thế, trong khi tiên sinh sắp sửa rời bỏ ngô
bối?