hàng trăm người bị bức hại, ám sát hoặc tử hình, hàng ngàn người phải lẩn
trốn hoặc bỏ nước lưu vong. Nhóm Ba Mươi bị lật đổ năm 403, chính thể
dân chủ tái lập. Dĩ nhiên Socrates chịu
ảnh hưởng thời cuộc, đời ông gắn liền với giai đoạn lịch sử rối loạn. Chẳng
hạn ông đi lính, chiến đấu trong cuộc chiến Peloponnesos lần thứ hai. Khi
cầm quyền Nhóm Ba Mươi ra lệnh quân đội đến nhà một công dân bắt đem
đi xử tử, nhưng ông từ chối. Dù bây giờ không tuân lệnh bạo quyền, song
trước đây ông là thầy dạy Critias, thành viên Nhóm Ba Mươi, rất có thể vì
liên hệ như thế nên ông bị bức hại sau này. Mặt khác, khi chế độ dân chủ tái
lập, ông lại dửng dưng, không tỏ ra ủng hộ hay tham gia, rất có thể sự thể
như vậy cũng khiến ông khó bề yên thân.
Ông chào đời trong ngôi làng ven biển thành phố Athens năm 469 TCN, gia
đình nghèo khó, cha làm nghề xẻ đá, thợ chạm, ngày nay gọi là điêu khắc,
tạc tượng, thuở đó không hề phân biệt, mẹ là Phaenarete làm mụ đỡ, tên
nghĩa là ‘đem đức độ (arêté) ra ánh sáng’, tên và việc của bà quả là gia tài
kỳ diệu dành cho con trai. Socrates sử dụng nghề đỡ đẻ của mẹ để thực hiện
bản chất triết lý của ông. Trong Theaetetus 150c ông nói: ‘Khác nhau ở chỗ
là bản nhân trợ giúp đàn ông, không phải đàn bà, và bản nhân canh chừng
linh hồn chứ không phải thể xác họ lâm bồn’. Ông lấy vợ lúc nào không ai
hay, chỉ biết người đàn bà sống với ông tên là Xanthippe. Chắc hẳn ông lập
gia đình lúc khoảng ngũ tuần, hay muộn hơn, hoặc bà này là vợ thứ hai, vì
lúc qua đời ông bảy mươi, ba con trai còn nhỏ, đứa lớn chưa đến hai mươi,
đứa nhỏ còn bế trên tay. Theo lời văn gia Xenophon trong Memorabilia
(Hồi ký) và kịch gia Aristophanes trong Đám mây bà là phụ nữ lắm điều, bà
thường la lối, ông nín thinh không nói một lời, có lẽ vì thế mang tiếng sợ
vợ. Nếu đúng vậy sự thể xem ra đáng tiếc về phần ông, song cũng không có
gì quá đáng để chê trách về phần bà, người phụ nữ tần tảo đáng thương. Bởi
lẽ bà phải một mình lo toan mọi việc, nuôi con, kiếm sống trong khi ông
nhởn nhơ như mây trời bảng lảng. Lại có nguồn tin kể có người đàn bà tên
Myrto sống với ông như vợ thứ nhất, như người tình, như vợ thứ hai, nhưng
nguồn này chắc hẳn vô căn cứ nên ít người để ý. Nhắc lại lời văn sĩ khác