S. Đó là điều bản nhân muốn hỏi quý hữu trước đây, có phải chỗ nào có
sùng đạo chỗ nấy cũng có chính trực không? [d] Có thực chỗ nào có sùng
đạo, chỗ nấy có chính trực, có chỗ có chính trực nhưng không bao giờ có
sùng đạo không? Có phải sùng đạo là phần đặc biệt của chính trực không?
Ngô bối có nên nói thế hay quý hữu nghĩ khác?
E. Không, ngô bối xác định như thế; bỉ nhân nghĩ tiên sinh nói phải.
S. Sau điểm này để ý điểm tới. Nếu sùng đạo là phần đặc biệt của chính
trực, vậy có lẽ ngô bối cần tìm hiểu sùng đạo là phần thế nào của chính
trực. Bây giờ nếu quý hữu hỏi về điều vừa nêu, chẳng hạn số chẵn là phần
thế nào của con số, hoặc bản chất thực sự của số này là thế nào, bản nhân sẽ
đáp: Không phải lệch mà cân. Quý hữu có nhận thấy thế không?
E. Thưa, có.
S. Vậy đến lượt quý hữu theo đường lối tương tự cũng cố gắng giảng giải
cho bản nhân hay [e] sùng đạo là phần thế nào của chính trực để đến lượt
bản nhân cũng có thể nói với Meletus đừng cư xử bất chính nữa và ngừng
cáo giác bừa bãi vì báng đạo, vô thần, bởi bây giờ đã được quý hữu chỉ giáo
đầy đủ bản nhân hiểu thế nào là kính phục và sùng đạo, thế nào là bất kính
và báng đạo.
E. Tiên sinh, theo bản nhân nghĩ dường như kính phục hoặc sùng đạo là
phần đặc biệt của chính trực liên hệ tới việc chăm lo thần linh trong khi
phần còn lại của chính trực liên hệ tới việc chăm lo con người.
S. Euthyphro, bản nhân nghĩ câu trả lời quý hữu đưa ra quả thật tuyệt vời;
tuy thế bản nhân vẫn chưa hoàn toàn đón nhận những gì mong muốn, [13a]
vì vẫn chưa nắm vững quý hữu muốn nói chăm lo là thế nào. Chắc hẳn quý
hữu không muốn nói chăm lo trong trường hợp thần linh cùng loại chăm lo
như trong trường hợp khác, chẳng hạn ngô bối nói không phải ai cũng biết
làm thế nào chăm lo ngựa trừ người luyện ngựa, phải thế không?