NGÀY CUỐI TRONG ĐỜI SOCRATES - Trang 8

cảng lớn nhỏ thuận lợi cho việc hàng hải và thương mại, cửa ngõ mở ra dẫn
tới vô số hải đảo bên ngoài. Thuộc địa Hy-lạp là chuỗi dài liên tục thiết lập
từ lục địa tới bờ biển Tiểu Á mạn đông, Ai-cập mạn nam, đảo Sicile, miền
nam nước Ý và eo biển Gibraltar mạn tây. Không xa lìa mẫu quốc, các
thuộc địa thừa hưởng đủ thứ lợi ích khi tiếp xúc với các dân tộc tập quán,
truyền thống và định chế khác hẳn. Kinh tế tiến bộ, thương mại, kỹ nghệ,
giao dịch phát triển, thành phố nảy nở, của cải gia tăng, lao động trải rộng,
tất cả đã tác động mãnh liệt và ảnh hưởng sâu đậm đời sống xã hội, chính
trị, trí thức, tôn giáo thế giới Hy-lạp, đồng thời mở lối khai đường cho nền
văn minh rạng rỡ và mới mẻ. Môi trường thiên nhiên và bối cảnh nhân lực
thôi thúc, khích động ý chí và kiến thức; môi trường đó tạo điều kiện cho
con người có cái nhìn xa rộng về cuộc đời và thế giới, có tinh thần nhận
thức và thái độ suy tư, dẫn tới phát triển bản ngã đặc biệt, tiến bộ đa dạng
trên mọi nẻo đường suy tư và hành động của con người. Đối với dân tộc
thiên phú có năng khiếu bén nhạy, vi diệu, khao khát trau dồi kiến thức, ý
thức tế nhị về cái đẹp, nhận thức cụ thể về thực tế, môi trường đó cung ứng
đủ vật liệu để dân tộc đó phô diễn sức mạnh và khả năng, tiến bộ mau lẹ
trong địa hạt chính trị, tôn giáo, đạo đức, văn chương và triết học. Sinh hoạt
chính trị của các thành quốc trên lục địa và thuộc địa mang đặc tính tương
tự: nơi nào cũng thấy tình trạng phát triển từ cơ chế quân chủ phụ quyền
kinh qua chính thể quý tộc rồi đi tới chế độ dân chủ. Xã hội thi hào Homer
miêu tả trong hai thi tập trường thiên Iliad và Odyssêy là xã hội đẳng cấp,
hình thức chính quyền là chế độ quân chủ tộc trưởng. Sở đắc tư hữu và văn
hóa trong tay thiểu số dẫn đến việc thiết lập chính quyền quý tộc, và theo
thời gian, đưa tới việc khai sinh chế độ quả đầu. Thực trạng xã hội đổi thay,
ngoi lên bằng mọi giá, thứ dân bắt đầu tranh giành quyền lực lãnh đạo với
giai câp trưởng giả; qua cố gắng táo bạo, liều lĩnh giành giật quyền lực từ
tay giai cấp quý tộc, cơ chế độc tài xuất hiện nhiều nơi trong thế giới Hy-
lạp suốt thế kỷ VII và VI TCN. Cuối cùng, do ý thức quyền lợi bản thân,
nhược điểm của giai tầng quý tộc, quả đầu, độc tài, quy tụ thành lực lượng
áp đảo, quần chúng đấu tranh nắm giữ quyền hành, cơ chế chuyên chính
tiêu vong, chính thể dân chủ tái lập.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.