người ta được thở than về sự cô đơn rồi. Anh có cảm giác bỗng nhiên trong
một lúc mình đã già thêm đến mấy tuổi. Nhưng chỉ có thế. Không có một
cảm xúc nào sâu xa hơn khuấy động trong anh.
Dẫu sao thì Shozaburo cũng đã sống sót và giờ thì anh phải bắt đầu nghĩ
xem mình sẽ tiếp tục sống như thế nào.
Bởi vì anh chỉ biết duy nhất có một loại nghề nên anh đã cất công đi tìm
những người bạn cũ của mình, tập hợp thành một ban nhạc Jazz nhỏ và bắt
đầu chơi tại các doanh trại lính Mỹ. Khả năng xã giao tốt đã giúp anh trở
thành bạn của một viên thiếu tá Mỹ thích nhạc Jazz—một người Mỹ gốc Ý
đến từ bang New Jersey có khả năng chơi kèn clarinet rất cừ. Cứ có thời
gian rỗi, hai người lại tụm lại với nhau. Là người phụ trách Cục hậu cần,
viên thiếu tá có thể có tất cả những đĩa nhạc mà mình muốn, được chuyển
tới từ chính nước Mỹ, và Shozaburo có thể đến doanh trại của viên thiếu tá,
nghe những bản nhạc jazz vui tươi của Bobby Hackett, Jack Teagarden và
Benny Goodman, nhờ đó anh có thể tự học được nhiều đoạn nhạc của họ.
Viên thiếu tá chu cấp cho anh đủ loại thức ăn, sữa, rượu, những thứ khó
kiếm lúc bấy giờ. Không tệ, Shozaburo nghĩ, sống như bây giờ quả là
không đến nỗi tệ.
Năm 1947, anh kết hôn với một người em họ xa bên ngoại. Họ tình cờ
gặp nhau trên phố và ngồi uống nước với nhau, kể cho nhau nghe tin tức về
họ hàng, về những chuyện ngày trước. Rồi họ quyết định chung sống với
nhau—có thể là vì lúc đó cô gái đã có bầu. Chí ít thì đó là điều mà Tony
Takitani nghe cha mình kể lại. Mẹ của cậu là một người phụ nữ xinh đẹp và
thâm trầm nhưng không phải là người khỏe mạnh. Một năm sau ngày cưới,
chị sinh Tony và ba ngày sau đó thì chị qua đời. Đơn giản như thế đó. Và
cũng đơn giản như thế, chị được hoả táng, một cách chóng vánh và lặng lẽ.
Chị không bị một biến chứng phúc tạp nào, ũng không phải nếm trải một
đau đớn đang kể gì cả. Chị chỉ tan nhòa thành hư vô, thế thôi, như thể có ai
đó lui về phía hậu trường một vở diễn và vụt biến.