Xưa nay chỉ cúi đầu làm việc, trên mặt không thể hiện vẻ vui buồn, lúc
nhìn người thường nheo mắt, thi thoảng cất giọng nói chuyện thì nghe rất
khác người thường, khàn khàn, lạnh như băng, không ai dám thân cận.
Người già trong thôn phần lớn đều hiền lành ôn hòa, chưa từng thấy ai kỳ
quái như vậy.
Đứa trẻ nào bướng bỉnh với tiên sinh, chỉ cần nhìn thấy Phúc bá là sợ đến
im bặt co rúm người lại.
Nhưng Lý Quả Nhi không sợ Phúc bá, ngược lại, nó sùng bái Phúc bá
gần bằng tiên sinh.
Có một đêm, Quả Nhi trốn ra ngoài từ cửa sau, hẹn Hổ Đầu ra bờ sông
mò cua.
Ban đêm, cua trong hang đều bò ra hóng mát, trên khắp bãi sông toàn cua
là cua, đi một lúc là được non nửa cái giỏ.
Hôm ấy nhà trúc còn chưa dựng xong, cả nhà tiên sinh vẫn ở tại Lý gia.
Phúc bá ở một mình trong gian nhà gỗ ở hậu viện.
Đêm đó, cửa sau bị khóa, Lý Quả Nhi chỉ đành trèo tường vào, không
ngờ bị trượt chân, ngã bổ nhào xuống. Ngã như vậy, cho dù có sống được
thì cũng chảy máu đầu.
Song, Lý Quả Nhi không bị thương.
Nó ngã vững vàng trong ngực Phúc bá.
Chỉ trong thời gian nháy mắt, trước khi nó ngã, ở chân tường rõ ràng
không có bóng người nào.