“Ta chỉ có thể nói thế. Đối với ta, ả luôn có vẻ là một con đàn bà trẻ đặc
biệt nông nổi, bình thường – khá tầm thường. Ta không cho ả là kẻ đầu độc.
Tuy nhiên, nói cho cùng, khi một cô gái trẻ hai mươi bốn tuổi lấy một ông
già gần tám mươi, thì rõ mồn một cô ta lấy chồng vì tiền. Theo lẽ thường, cô
ta có thể hy vọng trở thành một góa phụ giàu có sớm hơn. Nhưng Aristide là
một lão già đặc biệt khỏe mạnh. Bệnh tiểu đường của ông ta không trầm
trọng hơn. Ông ta có vẻ sẽ sống đến một trăm tuổi. Ta cho rằng ả chờ đợi
mỏi mòn…”
“Trong trường hợp đó,” tôi ngừng lời, không nói thêm.
“Trong trường hợp đó,” bà dì de Haviland nói nhanh, “ít nhiều gì cũng
đúng. Dĩ nhiên, sẽ tạo dư luận. Suy cho cùng, ả đâu phải là người trong gia
đình.”
“Bà còn có những ý khác à?”
“Những ý khác nào?”
Tôi thầm nghĩ. Tôi nghi ngờ dưới cái mũ rách còn chứa một cái gì nữa.
Đằng sau cái vẻ tươi tỉnh, lời lẽ thiếu mạch lạc, tôi nghĩ, có một bộ óc rất
sắc sảo đang hoạt động. Vào ngay lúc ấy, ngay cả tôi cũng tự hỏi phải chăng
chính bà dì de Haviland đã đầu độc ông Aristide Leonides…
Ý tưởng đó dường như không thể nào. Trong đầu tôi bỗng hiện lên cái
cách bà lão dùng gót chân nghiến lên đám cỏ bìm bìm nằm trên mặt đất với
một vẻ bạo tàn không khoan nhượng.
Tôi chợt nhớ đến lời của Sophia. Nhẫn tâm.
Tôi trộm nhìn nghiêng Edith de Haviland.
Lý lẽ thuyết phục và đầy đủ… Nhưng chính xác điều gì khiến cho lý lẽ
của bà Edith de Haviland có vẻ thuyết phục và đầy đủ?
Để trả lời câu hỏi này, tôi cần phải tìm hiểu bà rõ hơn.