18.
Năm mẹ học lớp 12, nhà bị tịch thu. Hình như là vì ông ngoại đã
đứng ra bảo lãnh nhầm gì đó. Trong ngôi nhà chi chít những dấu
đỏ niêm phong, đêm nào bà ngoại cũng khóc, vì không muốn bà
nhìn thấy gương mặt rầu rĩ của mình, sợ bà thêm buồn nên mỗi
ngày mẹ đều tự tìm cho mình một niềm vui nho nhỏ rồi hào hứng
luyện tập. Theo như mẹ nói, trong khoảng thời gian ấy, tìm mỏi
mắt cũng chẳng thấy một ngày được gọi là vui, bởi toàn chuyện
buồn nên chẳng có lấy một ngày vui. Mẹ nghĩ giờ đây sẽ chẳng có
chuỗi ngày nào buồn hơn thế và lại tự an ủi mình phấn chấn lên.
Ngày ấy, ông ngoại gọi tất cả các con lại, rót cho mỗi người một
chén rượu và đi vào câu chuyện:
“Nếu gia đình mình không lâm vào cảnh này thì có lẽ ba luôn lo
lắng không biết khi nào ba con ta mới có thể ngồi lại với nhau mỗi
tối thế này nhỉ? Dạo gần đây các con không về trễ, ba cũng uống
ít rượu đi, và mọi người luôn phải nhìn nét mặt nhau mà sống, ba
thực sự cảm thấy có lỗi, nhưng ba cũng hạnh phúc lắm... Chỉ cần
chúng ta luôn yêu thương nhau, sống tiết kiệm đi là được mà. Dù
đã mất nhà nhưng vẫn còn gia đình. Nhà chẳng phải chính là gia
đình ta đó sao”.
Mẹ vừa kể cho tôi nghe vừa nói: “Bản thân mẹ, nếu không là
người đứng ra bảo lãnh, chắc cũng sẽ nói được những câu cảm động
như thế... Nhưng dù sao thì ông ngoại cũng thật tuyệt vời. Ông quả
đúng là kỳ phùng địch thủ của mẹ nhỉ?” Thử nghĩ tôi cũng thấy có lẽ
đúng là kỳ phùng địch thủ.