được một năm trời, một quãng đời sung sướng quá ngắn ngủi đối với một
con người đã để cho tuổi xuân tàn tạ trong đợi chờ vô vọng.”
Trong niềm thương đau của người quân nhân già, có một cái gì đầy
cương nghị khiến Heyward không dám ngỏ lời an ủi Munro gieo mình
xuống ghế, quên rằng còn có Heyward trong phòng. Nét mặt ông đấy day
dứt nuối tiếc, nước mắt giàn giụa lăn trên đôi gò má, rỏ cả xuống sàn. Cuối
cùng, ông giật mình như chợt nhớ tới nhiệm vụ trước mắt, đứng dậy đi một
vòng quanh phòng rồi lại gần người cộng sự, hỏi với một tư thế oai nghiêm
quân sự:
“Thiếu tá Heyward, hầu tước Montcalm có nhờ anh nhắn điều gì cho tôi,
phải không?”
Duncan cũng giật mình; anh lúng túng báo cáo lại những ý kiến của
Montcalm mà anh hầu như gần quên. Thiết tưởng không cần kể lại dài
dòng thái độ lịch thiệp nhưng mập mờ của viên tướng Pháp trước mọi mưu
mẹo mà Heyward đã dùng để tìm hiểu nội dung thông báo của Montcalm
cũng như những lời nhắn nghe lễ phép nhưng cương quyết trong đó ông ta
hé cho Munro hiểu rằng phải đích thân đi gặp ông ta mới biết được sự thật.
Trong lúc nghe Heyward thuật lại tỉ mỉ sự việc, những tình cảm sôi nổi của
người cha dần dần nhường chỗ cho những lo lắng của người chỉ huy; khi
Heyward báo cáo xong, trước mắt anh là hình ảnh một quân nhân già đang
bừng bừng tức giận vì danh dự bị tổn thương.
“Thôi đủ rồi, thiếu tá Heyward,” Munro giận dữ hét to, “đủ để viết một
cuốn sách bàn về phép lịch sự của người Pháp. Tóm lại là người ta mời tôi
tới để bàn bạc, và khi tôi cử một người đại diện có đủ khả năng tuy còn trẻ
như anh thì người ta trả lời bằng một câu đánh đố.”
“Thưa ngài, có thể ông ta không tín nhiệm người thay mặt; vả lại, xin
ngài nhớ cho rằng ông ta muốn mời chỉ huy trưởng pháo đài chứ không
phải là chỉ huy phó, như ông ta đã nhắc lại hôm nay.”
“Người thay mặt không có đủ quyền lực và tư cách như người ủy nhiệm
sao? Lão ta muốn nói chuyện với Munro. Thực tình tôi cũng muốn chiều