Lần thứ ba tình cờ gặp lại bà, ông tìm được đủ can đảm đề nghị một
cuộc hò hẹn. Bà đã đến. Đó là cuộc gặp đầu tiên mở đầu các cuộc hẹn tiếp
theo, họ luôn gặp nhau vào buổi tối và chọn những khu vắng lặng nhất để
cùng đi dạo. Mr Duffy, tuy vậy, ác cảm với những chuyện vụng trộm, nhận
ra rằng họ đang buộc phải gặp nhau một cách lén lút, bèn hối bà phải mời
ông đến nhà. Thuyền trưởng Sinico luôn niềm nở trước những cuộc viếng
thăm của ông, nghĩ chắc nguyên do có liên quan tới việc hôn nhân của cô
con gái. Đã lâu nay thuyền trưởng không còn coi vợ nằm trong danh sách
những điều đem lại khoái lạc nên ông chẳng mảy may tưởng tượng đến
chuyện giờ có ai lại có thể thích bà. Vì ông chồng thường xa nhà và cô con
gái đi dạy nhạc, Mr Duffy có rất nhiều cơ hội được hưởng tình bằng hữu
của bà. Cả ông và bà đều chưa bao giờ có một cuộc phiêu lưu như vậy và cả
hai đều không ý thức được có điều gì trái lễ giáo ở đây. Dần dần ông hòa
nhập những suy nghĩ của ông với suy nghĩ của bà. Ông cho bà mượn sách,
nói cho bà những ý tưởng, chia sẻ cuộc sống trí thức của ông với bà. Bà
lắng nghe tất cả.
Thỉnh thoảng để đáp lại những lý thuyết của ông, bà nói đôi chút về
cuộc đời bà. Với một sự quan tâm gần như mang tình mẫu tử, bà vỗ vê
khuyến khích ông thổ lộ hết tâm tư: bà trở thành cha giải tội của ông. Ông
kể với bà có một hồi ông từng dự các cuộc họp của một Đảng Xã hội
Ireland, trên một căn phòng áp mái tù mù đèn dầu, nơi ông tự cảm thấy
mình là một nhân vật lạc loài giữa đám công nhân liêm chính. Khi đảng đó
tách ra thành ba tổ chức, mỗi tổ chức có người lãnh đạo riêng, phòng áp mái
riêng, ông không đến họp nữa. Những cuộc thảo luận của đám công nhân
hồi đó, ông nói, quá vặt vãnh, họ tập trung quá mức vào vấn đề tiền lương.
Ông cảm thấy họ chỉ là những người theo phái đối lập luận chặt chẽ, một
thứ sản phẩm xa hoa ngoài tầm với của họ. Có vẻ như, ông nói với bà, sẽ
không có cuộc cách mạng xã hội nào nổ ra ở Dublin ít nhất trong mấy thế
kỷ tới.