tay và đầu gối. Chàng khóc cho vị thầy vừa nằm xuống, cho sắc đẹp tàn tạ
ấy của Ly Phương, khóc cho Lan, Lỗ Bình, và Hương Vân, cho tuổi hoa
niên của chàng đã hoang phí và úa tàn.
Vào khuya, chàng tìm đến quán rượu, nơi chàng đã một lần nâng ly
với bạn hữu. Bà chủ quán nhớ mặt chàng. Chàng gọi một khúc bánh mì. Bà
ta khá thân thiện; và bưng đến cho chàng thêm một cốc rượu. Chàng không
sao nuốt nổi bánh và rượu. Đêm ấy chàng ngủ trên chiếc băng dài trong
quán. Sáng sớm bà chủ quán gọi chàng dậy. Chàng cám ơn bà ta và ra đi,
ăn hết khúc bánh mì trên đường.
Chàng bước đến khu chợ cá. Nơi ấy tọa lạc ngôi nhà mà chàng đã một
lần ở trọ. Bên cạnh vòi nước, các bà bán cá đang rao hàng; chàng chăm chú
nhìn vào thùng tròn, chiếu mắt vào những sinh vật lấp lánh dễ thương.
Trước đây chàng đã thường nhìn ngắm như vậy.
Chàng nhớ đến luồng cảm giác thương xót bầy cá và căm hận bọn bán
cá lẫn khách đến mua. Chàng nhớ lại một buổi sáng chàng đang vơ vẩn nơi
đây, lòng trắc ẩn nổi lên khi nhìn ngắm bầy cá, tâm tư chàng thật u uất.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, bao nhiêu con nước đã trôi dưới cầu. Chàng
nhớ lại nỗi buồn chán trước đây nhưng vẫn không rõ được nguyên do.
Chung quy rồi tất cả đều qua mau: nỗi buồn, đau khổ, tuyệt vọng cũng như
niềm vui. Những ấn tượng vui buồn, đau đớn đã từng hằn sâu trong tâm
tưởng, ngày theo tháng sẽ phai nhạt, giảm dần chiều sâu, mất hẳn ý nghĩa,
và đến một thời điểm nào đó, chẳng còn nhớ đến ai đã làm khổ ai. Hoa ưu
tư rồi cũng héo tàn. Và cơn đau của chàng hôm nay, một ngày kia có biến
thành vô nghĩa và tàn lụn chăng? Chàng tuyệt vọng vì thầy đã qua đời mà
chưa hòa thuận với chàng, chàng khổ sở vì không còn xưởng điêu khắc nào
còn mở cửa để chàng có thể thường thức lạc thú trong sáng tác và giải
phóng những hình ảnh mãi mãi đè nặng tâm tư chàng. Điều chắc chắn là
niềm đau về nhu cầu sáng tác này rồi cũng lão hóa và mệt mỏi. Rồi ta cũng
sẽ quên đi. Không có gì trường cửu, cả sự nuối tiếc cũng vậy.