Cuộc đời chỉ có ý nghĩa nếu ta biết dung hợp hai lối sống. Trong sáng
tác vẫn không hy sinh cuộc sống riêng của mình. Sống thật với lòng mình
mà không từ bỏ nghệ thuật cao đẹp. Phải chăng đó là điều không thể đạt
được?
Có thể có một số người nào đó biết cách dung hợp. Có những người
chồng, người cha tuy sống chân tình với vợ con mà vẫn không mất lạc thú.
Có người tình cảm vẫn không khô cạn, dù sống một đời định cư, thiếu mất
tự do, không phiêu lưu với hiểm nguy. Có thể có trường hợp như vậy,
nhưng chàng chưa hề gặp.
Có lẽ căn để của đời sống mang thể tính nhị nguyên, và đều có sự
tương phản. Dù là đàn ông hoặc đàn bà sống lang thang hoặc cố định, là
nhà tư duy hoặc người mê cảm, không ai có thể thở ra và hít vào cùng một
lúc đủ nam lẫn nữ tính, có thể sống phóng khoáng tự do trong một kỷ luật
bó buộc, hoặc vừa sống buông thả theo bản năng vừa lắng lòng hướng về
nội tâm. Ta phải chịu mất một cá tính này để được một đặc thù khác, và cả
hai đều hệ trọng và cùng có một hấp lực ngang nhau. Trên bình diện này,
người phụ nữ được Ưu đãi hơn. Tạo hóa đã dựng nên họ sao cho hạnh phúc
yêu đương kết quả cụ thể: một đứa trẻ được sinh ra. Đối với nam giới, lòng
khao khát liên tục chính là hình thái của năng lực sinh sản. Có phải Thượng
đế đã tạo dựng muôn loài với tâm ác độc và thù hận thế sao? Và còn cười
cợt mỉa mai trên các sinh vật do Ngài tác tạo? Không, Thượng đế đã tạo ra
nai, hươu, chim, cá, núi rừng, cỏ hoa và tiết mùa biến chuyển thì không thể
nào ác độc được. Nhưng trên công trình sáng tạo của Ngài đã xuất hiện vết
nứt rạn. Có lẽ đó là một công trình không còn chân chính, không còn toàn
hảo, hoặc chính Thượng đế chủ ý vào sự bất toàn hảo và tham vọng của
con người để xây dựng nhân tính? Có thể đó là mầm mống của hận thù, của
tội tổ tông? Nhưng tại sao tham vọng và sự bất toàn hảo của con người lại
là tội lỗi? Không phải tất cả điều này là tốt đẹp và thánh thiện sao? Và
không phải chính từ đó mà loài người sáng tác nghệ thuật để tôn kính và tri
ân Thượng đế?