CHƯƠNG XIX
Trong vòng hai năm Đan Thanh đã làm việc chung trong nhóm và kể
từ năm thứ hai chàng để Bảo Ân tập sự thực thụ. Nơi chấn song thang lầu,
chàng đã tạo đựng một thiên đường nhỏ bé. Chàng say ngất điêu khắc một
vùng hoang sơ hùng tráng với cây cỏ, bụi rậm, chim muông đậu trên cành
và con người trọn thân hoặc riêng khuôn mặt, lác đác nhô lên. Giữa khu
vườn sơ khai an bình lộc non mơn mởn chàng đã miêu tả đời sống của các
tộc trưởng bộ lạc. Nếp sống cần mẫn của chàng ít khi bị đứt đoạn. Hiếm có
một ngày như hôm nay chàng không thể làm việc được, khi bất an và khó
chịu làm chàng chán ghét nghệ thuật. Chàng giao việc vặt cho cậu học trò
rồi đi dạo hoặc cưỡi ngựa ra vùng quê để hít thở mùi hương kỷ niệm đoạn
đời tự do, lang thang trong rừng vắng, hoặc viếng thăm một cô gái quê, đi
săn hoặc nằm lăn trên cỏ xanh ngắm nhìn những ngọn cây đan vào nhau
thành mái vòm cung, hoặc nhìn lộc non các cây đương xỉ, cây đỗ tùng đâm
chồi cả một vùng hoang liêu. Luôn luôn chàng muốn trở về sau một hoặc
hai ngày. Rồi chàng lao đầu vào công việc với nỗi đam mê mới, hăng say
điêu khắc đám cỏ tươi tốt, dịu dàng và từ ái trau chuốt những tượng đầu
người từ phiến gỗ, mạnh dạn vạch cắt chiếc miệng, con mắt, hàm râu xếp
nếp. Ngoài Bảo Ân chỉ có Huyền Minh biết về các bức tượng và thời gian
này chàng cũng thường đến xưởng làm, nơi chàng ưa chuộng nhất trong tu
viện. Huyền Minh đứng nhìn ngắm bạn chàng, vui sướng và ngạc nhiên.
Tất cả cá tính thơ ngây, băn khoăn và bướng bỉnh đều được bạn chàng hiển
lộ vào tác phẩm,ở đấy bừng lên một vũ trụ, một tiểu thế giới sống động, có
lẽ chỉ là một trò chơi nhưng chắc chắn trò chơi ấy không kém giá trị so với
trò chơi luận lý, văn phạm và thần học.
Một lần Huyền Minh trầm ngâm bảo:
- Tôi đang học được rất nhiều từ anh. Tôi bắt đầu hiểu nghệ thuật là gì.
Ngày xưa theo ý tôi nghệ thuật không thể so sánh với tư duy và khoa học.
Tôi đã nghĩ như thế này: vì con người là một tổng hợp mơ hồ giữa tinh thần
và vật chất, vì tinh thần mở lối cho ta nhận biết sự vĩnh cửu, trong khi vật