Em không còn chút nào muốn khăng khăng theo đuổi trí tuệ của anh -
Đan Thanh vừa nói vừa cười nửa miệng - về trí tuệ và học thuật cũng như
về cha em, em nghĩ em đã yêu người nhiều và giống người; tất cả những gì
người nói đối với em đều đã là thánh ngôn. Nhưng vừa khi mẹ em hiện
diện trong em trở lại thì em bắt đầu biết được tình yêu là gì và bên cạnh
hình ảnh bà, hình ảnh của cha em bỗng nhiên trở thành hèn hạ quạu quọ và
hầu như khó cảm. Và bây giờ em có khuynh hướng xem mọi sự thuộc về tri
thức như là thuộc phạm vi người cha, không có ý nghĩa của người mẹ, thù
nghịch với hồn mẹ, và em hơi coi khinh nó.
Đan Thanh nói đùa nhưng không xua đuổi được nét buồn trên gương
mặt bạn. Huyền Minh yên lặng nhìn bạn và tia nhìn của chàng như một sự
âu yếm vỗ về. Đoạn chàng nói:
Tôi hiểu em lắm, chúng ta không còn gì để bàn cãi nữa, em đã thức
tỉnh và em đã nhận thấy rằng; chúng ta khác hẳn nhau, cái khác biệt giữa
những người thuộc dòng giống người cha và những người thuộc về bên mẹ,
khác biệt giữa tâm hồn và trí tuệ. Và chẳng còn bao lâu nữa em cũng sẽ
thấy rằng cuộc sống của em ở tu viện và nguồn hứng khởi của em đối với
đời tu sĩ chính là một sai lầm, một bịa đặt của phụ thân em khi người muốn
nhờ đó mà tẩy rửa tội lỗi ký ức về thân mẫu em, hoặc có lẽ để trả thù bà.
Hay em còn tưởng rằng định mệnh của em là ở lại suốt đời trong tu viện?
Đan Thanh đầy trầm tư ngắm nhìn hai bàn tay bạn, những bàn tay
thanh tú vừa khắc khổ vừa mềm mại, gầy và trắng. Không ai có thể hoài
nghi đấy là những bàn tay của một nhà khổ hạnh, một người uyên bác.
Em không biết - Đan Thanh nói với giọng thanh như hát, hơi ngập
ngừng, vừa kéo dài mỗi âm thanh, cách chàng thường nói trong ít lâu nay -
Quả tình là em không biết. Anh phán đoán cha em hơi quá nghiêm khắc.
Ông đã không sống một cách dễ dàng. Nhưng có lẽ anh cũng có lý về điểm
ấy nữa. Bây giờ là đã ba năm em học ở trường của tu viện, và ông không
đến thăm em một lần nào. Ông hy vọng em sẽ ở lại đây mãi mãi. Đấy cũng
có lẽ là giải pháp tốt nhất, không phải là em luôn luôn ao ước điều ấy hay