làm hai, là phái đạo học và phái tâm học. Phái đạo học thì vụ lấy tìm cái lý
ở các sự vật, cho nên cái tông chỉ là phải cùng lý; phái tâm học thì vụ lấy
tìm cái lý ở trong tâm, cho nên cái tông chỉ là phải duy tinh, duy nhất ở bản
tâm.
Cái học bàn về tâm và tính đã do Mạnh Tử phát huy ra từ đời Chiến Quốc,
nhưng mãi đến Lục Tượng Sơn đời Tống mới lập thành ra một học thuyết,
rồi đến đời nhà Minh có Vương Dương Minh mới thật thịnh hành. Song về
sau vì học giả trong phái ấy có nhiều người thiên về Thiền học bên Phật
giáo làm sai mất cái tông chỉ của Nho giáo, cho nên qua sang đời Thanh,
chư nho có nhiều người lại quay về theo lối Hán học.
Trong đời Thanh, Nho giáo chia ra phái Hán học, phái Tống học, rồi đến
đời Thanh mạt, vì có ảnh hưởng Tây học lại thành ra phái Tân học.
Đại để, Nho giáo biến thiên hoặc theo Kinh học, hoặc theo lý học, tùy mỗi
thời đại có một cái đặc sắc và có cái tư tưởng cao thấp, thâm thiển khác
nhau, nhưng bao giờ cũng có cái kết quả rất hay về đường giáo hóa, là gây
thành cái nhân cách rất tôn quý. Đó là chỗ độc giả sách Nho giáo nên chú
ý mà thể nhận cho rõ.
Sách này làm theo cái mục đích đã định, là muốn vẽ cho đúng cái chân
tướng của Nho giáo trải qua các thời đại. Cái mục đích ấy có đạt tới được
hay không, chưa dám nói quyết, nhưng dù thế nào mặc lòng, ta đem tấm
lòng thành thực mà thuật lại cái đạo của thánh hiền, để học giả có thể nhân
đó mà kê cứu, mà phê bình, cho khỏi sai lầm, Miễn là cái công phu này có
bổ ích cho sự học của nước nhà được một đôi chút, ấy là cái sở nguyện của
ta vậy.
TRẦN TRỌNG KIM