NHO GIÁO - Trang 142

hoạn bất an. Cái quân vô bần, hòa vô quả, an vô khuynh

有國有家者,不

患寡而患不均,不患貧而患不安。蓋均無貧,和無寡,安無傾: Người
làm vua làm chúa không lo ít người mà lo không đều, không lo nghèo mà lo
không an. Hễ đã đều là không có sự nghèo, đã hòa thuận là không có ít
người, đã an là không có sự khuynh nguy” (Luận Ngữ: Quý thị, XVI). Lấy
nhân ái mà trị dân, lo cho dân không có sự giàu nghèo chêch lệch, giữ cho
dân được hòa bình an lạc, đó mới thật là chính sách của vương đạo. Nếu
xưa nay các vua chúa quan tư, ai cũng thực bụng theo tông chỉ ấy mà trị
nước trị dân, thì tưởng nhân dân trong thiên hạ đỡ được bao nhiêu những
việc chính trị hà khắc, làm cho người ta khỏi phải lầm than nhiều nỗi vậy.

***

Đạo của Khổng Tử gồm cả phần hình nhi thượng và phần hình nhi hạ như
đã nói ở trên, là cái đạo chủ ở sự theo thiên lý mà hành động. Thiên lý lưu
hành bất tức, nghĩa là biến hóa hết thái độ nọ, đến thái độ kìa, để tìm lấy cái
điều hòa, cái bình hành. Sự lưu hành của thiên lý phảng phất giống như
nước chảy. Chỉ khác có một điều là nước chảy thì khi hai mặt nước đã
phẳng bằng nhau rồi, không chảy nữa. Đằng này thì lúc nào cũng lưu hành
không nghỉ, do điều hòa đến không điều hòa, rồi lại do không điều hòa đến
điều hòa, tức là do cái tương thành mà hóa ra cái tương phản, rồi lại do cái
tương phản mà hóa ra cái tương thành, cứ thế mà biến hóa ra mãi mãi. Điều
hòa và không điều hòa là hai lý tưởng hay hai thế lực tương đối nhau,
không lúc nào rời nhau ra được, mà ở đâu cũng có. Âm và dương là biểu thị
hai thế lực ấy, cho nên mới nói rằng không đâu là không có âm và dương.
Chỗ nào cũng có một âm, một dương đun đẩy nhau, để tương đối và tương
quan với nhau. Nhất thiết các sự vật đều thành lập ở trong khoảng điều hòa
của hai cái tương đối tương thành ấy cả. Bởi chưng theo lẽ biến hóa như
thế, cho nên đạo của Khổng Tử vốn là cái đạo cần phải tiến hóa luôn, về
đường đạo đức, Ngài muốn người ta ai cũng như vua Thang đời xưa, lấy
mấy chữ sau này làm biểu hiện: “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân
茍日新,日日新,又日新: Một ngày một mới, ngày ngày càng mới thêm,
càng ngày càng mới thêm nữa” (Đại Học). Ngài muốn sự tiến hóa, nhưng
tiến hóa một cách từ từ, cho đến chí thiện chí mỹ.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.