NHO GIÁO - Trang 144

thần diệu, và mới được êm ái vững bền. Vậy muốn tiến hóa cho phải đạo là
phải biết theo thời: đến thời nào phải theo thời ấy mà biến đổi cho hợp thời.
Bởi thế cho nên Khổng Tử mới nói: “Tùy thời chi nghĩa đại hỹ tai!

隨時之

義大矣哉!: cái nghĩa theo thời lớn vậy thay!” (Dịch: Thoán thượng truyện).
Đạo của Khổng Tử là đạo tùy thời, theo thiên lý mà lưu hành, tất phải biến
đổi luôn để cho càng ngày càng mới. Vậy sao lại có cái quan niệm hiếu cổ,
nghĩa là lúc nào cũng phải suy xét cái chế độ của cổ nhân để mà noi theo?
Như thế há chẳng phải là một điều mâu thuẫn trong học thuyết của Khổng
Tử hay sao? Vấn đề ấy không những là không có điều gì là mâu thuẫn, mà
lại là một điều quan hệ đến tâm lý học rất tinh thâm. Xưa nay ta sở dĩ lầm
lỗi là bởi ta hiểu không rõ hết cái ý nghĩa ấy.
Phàm sự sinh hoạt của loài người là thường vẫn phải bị cái thế lực vô hình
của ông cha đời trước. Cái thế lực ấy tức là cái tinh thần rất linh hoạt của
các dân tộc. Thường những cuộc thịnh suy là bởi đó mà ra cả. Nhờ có cái
thế lực ấy cho nên các xã hội mới vững bền và mới có cái thống hệ trong
các sinh hoạt và trong sự chính trị. Khổng Tử hiểu rõ những lẽ ấy cho nên
Ngài mới lấy cái quan niệm hiếu cổ làm cái dây liên lạc để giữ cho chắc
chắn cái nền của xã hội, tức như là một thứ keo, thứ hồ, để gắn cho chặt các
phần tử trong một đoàn thể. Hiếu cổ nhưng vẫn phải giữ đạo trung, nghĩa là
phải giữ vững cái nền tốt đã có sẵn, rồi cứ theo thời, theo trình độ của nhân
quần mà tiến lên cho hợp thời. Cách tiến hóa như thế, thì bao giờ cũng điều
hòa, cũng có trật tự, rất chắc chắn, vững vàng không đến nỗi có những cuộc
đại biến làm loạn được nhân tâm.
Song phải biết rằng nếu hiếu cổ mà không biết tùy thời, thì lâu ngày thành
ra hủ bại, hoặc tùy thời mà không hiếu cổ thì thành ra rối loạn, vì không thể
sở cứ vào cơ bản nào cả. Khổng giáo tối kị sự chếch lệch ấy, làm mất cái
bình hành và cái điều hòa là những cái cốt tử, bất kỳ làm việc gì cũng cần
phải có. Hãy xem như xã hội ta ngày xưa. Vì hiểu lầm, mà thiên về đường
thủ cựu thái quá, hơi một tí gì cũng lấy cổ nhân ra làm tiêu chuẩn, chứ
không biết tìm cách mà biến đổi cho vừa phải, cho nên mới thành ra bại
vong. Ngày nay thì lại trái hẳn, ai cũng muốn biến đổi, phàm cái gì của ông
cha đã xây đắp lên, thì đem hủy hoại hết, không phân biệt phải, trái gì cả.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.