NHO GIÁO - Trang 158

Hậu nho cho đoạn nói về đời tiểu khang có nhiều chỗ chép sai, văn lý
không thông và muốn sửa lại, đem câu “cho nên sự dùng mưu chước mới
sinh ra, mà việc chiến tranh bởi đó khởi lên vậy” lên trên câu “vua quan thì
lấy việc cha truyền con nối làm lễ” về dưới câu “của cải và sức lực làm
riêng của mình”. Lại so với sách Khổng Tử gia ngữ, thì có nhiều chỗ khác
hẳn. Đại để theo lời các nhà bàn về sách Khổng Tử gia ngữ, thì đoạn ấy như
thế này: “… của cải và sức lực làm riêng của mình, cho nên sự dùng mưu
chước mới sinh ra mà việc chiến tranh bởi đó khởi lên vậy. Vua quan thì lấy
việc cha truyền con nối làm lễ, lấy thành quách hào trì làm kiên cố. Vua Vũ,
vua Thang, vua Văn, vua Vũ, Thành Vương, Chu Công bởi đó mà được
chọn là bậc hơn cả. Sáu bậc quân tử ấy chưa từng không cẩn thận ở lễ vậy.
Lễ hưng khởi lên là ngang với trời đất. Nếu ai không theo lễ mà ở ngôi, thì
người ta cho là họa ác
”. Sửa lại như thế thì đúng với văn trong sách Khổng
Tử gia ngữ
, văn lý thông hơn và ý nghĩa sáng rõ lắm, nhưng lại không có
hai chữ tiểu khang đối với hai chữ đại đồng ở đoạn trên.
Vả chăng Khổng Tử dẫu có nói những điều ấy, thì cũng chỉ cốt nói sự phải
dùng lễ mà thôi, chứ không có ý phân ra đại đồngtiểu khang để trọng
Ngũ đế mà khinh Tam vương. Điều ấy rất rõ ở đoạn đầu. Ngài cho lễ là phải
tùy thời mà biến đổi, mỗi đời phải dùng một khác, để cho hợp với lẽ biến
hóa của trời đất. Chư nho hiểu rõ nghĩa ấy, cho nên mới nói rằng đoạn ấy là
của những người đời sau nhiễm cái học của Lão Trang cho là cái đạo mất
mới nói nhân nghĩa, v.v. rồi bịa đặt ra, hoặc sửa đổi lại như thế, chứ không
phải là lời của Khổng Tử.
Cận kim, bọn nho giả là Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu công nhận đại
đồng là cái học vi ngôn và tiểu khang là cái học đại nghĩa của Khổng Tử.
Song xét ra thì có lẽ bọn Khang, Lương bị ảnh hưởng của tân trào, mới đem
những ý ấy mà nói cái chính thể cộng hòa và quân chủ. Kỳ thực không
đúng tông chỉ của Khổng học. Tông chỉ ấy cho là mỗi thời nhân trí biến
thiên đi một khác, thì việc trị cũng phải tùy thời mà thay đổi, miễn là giữ
được lễ nghĩa làm gốc để cho hợp đạo trưng. Vậy thì cái thuyết đại đồng và
tiểu khang của Khang, Lương tưởng không đúng với tinh thần Khổng giáo.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.