NHO GIÁO - Trang 18

thì người Tàu thường hay theo trực giác mà tư tưởng, rồi rút các ý tứ vào
mấy câu tổng yếu rất vắn tắt để làm cốt, thành ra khi đọc những câu ấy phải
lấy ý mà hiểu ra ngoài văn từ mới rõ được hết các lẽ; phần thì lối chữ độc
âm, tượng hình, tượng ý của Tàu khó khiến cách lập ngôn theo đúng được
những sự vận động của tư tưởng và bộc bạch được hết các ý tứ. Cũng bởi
thế, cho nên mới nói rằng: Bất dĩ từ hại ý

不以辭害意, nghĩa là xem sách

phải lấy ý mà lĩnh hội cho rõ cái tư tưởng của người làm sách, chứ không
nệ ở văn từ mà bỏ sót ý. Lối Tây học thì không thế, nhất nhất là phải theo lý
trí mà suy luận, lần theo sự lý nọ sang sự lý kia, liên tiếp dắt díu nhau. Cách
lập ngôn lại sáng tỏ, là nhờ lối văn từ rất tinh tế, dễ khiến, lời với ý lúc nào
cũng theo sát nhau được, bao nhiêu sự vận động của tư tưởng cũng có thể tả
rõ ra được phân minh hết cả. Bời thế cho nên những người đã quen lối Tây
học, xem sách Hán tự, cho những học thuyết của Tàu không có phương
pháp. Đó là bởi không hiểu rõ cái lối học của người Tàu, chủ ở sự phải suy
nghĩ ra mà hiểu, phải lấy ý mà hội, chứ không chủ ở sự theo lý trí mà suy
luận và phu diễn hết cả ra ở văn từ. Kỳ thực thì tư tưởng của người Tàu vẫn
có phương pháp, nhưng phương pháp ấy chỉ cốt ở trong tinh thần cả toàn
thể, chứ không ở hình thức từng bộ phận có thể phân tích ra được như lối
văn từ của Tây. Vậy muốn tìm cái phương pháp của Nho giáo, thì phải dùng
trực giác mà xem, phải lấy ý mà hội, thì thấy rõ mối liên lạc trong các đoạn
tư tưởng, tuy về phần hình thức thì lỏng lẻo, rời rạc, nhưng về phần tinh
thần thì suốt từ đầu đến cuối chỉ là một mà thôi.
Nho giáo cho vũ trụ sở dĩ có là vì có cái lý độc nhất tuyệt đối. Lấy nghĩa
cùng tột hết cả, thì gọi lý ấy là Thái Cực; lấy nghĩa bao quát khắp cả thể
gian, thì gọi là Thiên; lấy nghĩa làm chủ tể và vạn vật thì gọi là Đế, hay là
Thiên đế. Song lý ấy siêu việt vô cùng, không sao biết rõ được cái tĩnh thể
là thể nào, cho nên Nho giáo công nhận có lý ấy, rồi chỉ xét cái động thể
của lý ấy đã phát hiện ra để làm tông chỉ. Tông chỉ ấy chủ ở đạo nhân, có
sẵn cái trực giác để hiểu lẽ biến hóa của trời đất, khiến cho lúc nào cũng
theo được lẽ ấy mà vẫn đắc kỳ trung. Ấy, đại khái tông chỉ của Nho giáo là
thế. Nay nhân tiện ta xét qua cái triết học đã phát hiện ra ở bên Tây, xem hai
bên giống nhau và khác nhau thế nào.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.