NHO GIÁO - Trang 182

hay, năm mất mùa thì con em làm điều bậy. Đó không phải Trời phú cho cái
bản năng khác nhau như thế, chỉ tại ta để cái tâm của ta hãm đắm vào vật
dục, cho nên mới hóa ra thế. Xem như gieo hạt lúa xuống đất rồi bón xới
vào, hạt lúa cũng ở một chỗ, cùng gieo một lúc, mọc lên ngùn ngụt, đến
ngày hạ chí, đông chí, đều chín cả. Nếu có hạt tốt, hạt xấu là tại màu đất,
mưa móc và công việc người ta làm không đều. Phàm vật đồng loại, thì
giống như nhau cả, sao đến người thì lại ngờ là không giống. Bậc thánh
nhân với ta cũng là đồng một loại như nhau. Bởi vậy Long tử nói: ‘Không
trông thấy chân người ta mà làm giày, thì biết là không làm cái sọt. Giày mà
giống nhau, là vì chân người ta ai cũng thế cả’.
“Miệng đối với vị ngon đều giống nhau, người sành ăn như Dịch Nha là
người biết trước cái thích của miệng ta. Nếu khiến cái miệng của Dịch Nha
đối với vị ngon mà lại không giống như mọi người, tựa như giống chó,
giống ngựa, không đồng loại với ta, thì sao đối với vị ngon thiên hạ lại theo
cái sành ăn của Dịch Nha? Đối với vị ngon mà thiên hạ theo Dịch Nha là vì
cái miệng thiên hạ thích vị ngon ai cũng như ai. Cái tai nghe cũng vậy. Như
tiếng âm nhạc thì ai cũng theo người giỏi đàn như Sư Khoáng. Vì rằng cái
tai người ta ai cũng như ai. Cái mắt trông cũng vậy. Đẹp như Tử Đô thì
thiên hạ ai cũng chẳng biết là đẹp. Người mà không biết Tử Đô là đẹp là
người không có mắt. Bởi vậy cho nên nói: ‘Miệng đối với vị ngon thì đều
thích như nhau, tai đối với tiếng đàn hay thì đều nghe như nhau, mắt đối với
sắc đẹp thì đều trông thấy như nhau’. Thế mà có một tâm lại không giống
nhau là có sao? Những cái mà tâm của người đều thích như nhau là những
cái gì? Là cái lý, cái nghĩa. Thánh nhân là bậc đã tìm được trước ta những
cái mà tâm của ta đều thích. Cho nên lý và nghĩa làm cho thích cái tâm của
ta, cũng như thịt giống thú ăn cỏ, ăn cám, làm cho thích miệng ta vậy.
“Xưa kia những cây ở trên núi Ngưu Sơn thường rườm rà rất đẹp. Vì núi ấy
ở vào cõi một nước lớn, rìu búa chặt mãi đi, thế thì những cây ấy có đẹp
được nữa không? Những cây ấy đã bị chặt đi rồi, ngày đêm nghỉ ngơi, mưa
móc tưới vào, lại đâm chồi ra. Song trâu dê lại đến phá hại, cho nên núi ấy
mới trụi đi như ngày nay. Người ta thấy núi ấy trụi cả cây, bảo là núi ấy
không mọc cây được. Há có phải là cái tính của núi như thế hay sao?

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.