NHO GIÁO - Trang 183

“Người ta dẫu thế nào mà lại không còn cái bụng nhân nghĩa. Người nào để
bỏ mất cái lương tâm thì cũng như lấy rìu búa mà chặt cây vậy. Cứ ngày
ngày chặt phá đi thì cây còn đẹp thế nào được nữa. Cái lương tâm của
người ta ví như mầm cây, ngày đêm nghỉ ngơi và lại có cái khí yên lặng
buổi sáng thì lòng hiếu, ố của mình cũng hơi gần như của mọi người. Song
những việc làm trong ban ngày lại làm hư hỏng đi, rồi cứ hỏng đi, hỏng lại
mãi, thì cái khí ban đêm không đủ mà giữ cho còn lại được. Đến khi cái khí
ban đêm không giữ còn lại được nữa, thì người với cầm thú có xa gì. Người
ta thấy giống như cầm thú thì cho là không có cái bản năng gì. Há có phải là
bản tính của người ta như thế hay sao?
“Cho nên, nếu được cái nuôi, thì không có vật gì là không lớn lên; nếu mất
cái nuôi, thì không có vật gì là không mất đi. Khổng Tử nói: ‘Thao tắc tồn,
xả tắc vong, xuất nhập vô thời, mạc tri kỳ hương

操則存,舍則亡。出入

無時,莫知其鄉: Giữ lấy thì còn, bỏ đi thì mất, ra vào không có thời,
không biết ở nhất định chỗ nào’. Đó là ngài nói cái lương tâm của người ta
vậy” (Cáo tử, thượng).
Nói rút lại là Mạnh Tử cho cái tính của Trời phú cho người ta là thiện. Nếu
có thành ra bất thiện là vì người ta không biết giữ lấy cái bản tâm, chứ cái
nguồn gốc của tính là không thể không thiện được. Ông nói: “Nhân giai
hữu bất nhẫn chi tâm

人皆有不忍之心: Người ta ai cũng có lòng thương

người... Giá bất thình lình người ta trông thấy đứa trẻ sắp rơi xuống giếng,
thì ai cũng có lòng bồn chồn thương xót. Bồn chồn thương xót không phải
là vì trong bụng có ý muốn cầu thân với cha mẹ đứa trẻ ấy, không phải là vì
muốn cho người làng xóm, bạn bè khen, không phải là sợ người ta chê cười.
Xem như thế, thì ai không có lòng trắc ẩn không phải là người; ai không có
lòng tu ố không phải là người; ai không có lòng từ nhượng không phải là
người; ai không có lòng thị phi không phải là người. Lòng trắc ẩn là cái mối
của nhân, lòng tu ố là cái mối của nghĩa, lòng từ nhượng là cái mối của lễ,
lòng thị phi là cái mối của trí. Người ta có bốn mối ấy như có tứ thể vậy. Có
bốn mối ấy mà tự bảo không sửa mình được là tự mình hại mình vậy. Đã có
bốn mối ấy ở trong mình mình, mà biết mở rộng ra cho thông, thì như lửa
mới bắt đầu cháy, như suối mới bắt đầu chảy” (Công Tôn Sửu, thượng).

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.