NHO GIÁO - Trang 217

đẳng, chính lệnh không thi thố ra; có cái ít mà không có cái nhiều thì quần
chúng không hóa”. Đó là ông chê những nhà triết học ấy đều thiên chứ
không có cái chung. Thường các học thuyết mà thiên di như thế là vì có
điều ứ trệ, không thông, cho nên ông nói: “Mặc Tử tế ư dụng nhi bất tri
văn; Tống tử tế ư dục nhi bất tri đắc; Thận tử tế ư pháp nhi bất chi hiền;
Thân tử tế ư thế nhi bất tri trí; Huệ tử tế ư từ nhi bất tri thực; Trang tử tế ư
thiên nhi bất tri nhân. Cố do dụng vị chi, đạo tận lợi hỹ; do dục vị chi, đạo
tận hàm hỹ; do pháp vị chi, đạo tận số hỹ; do thế vị chi, đạo tận tiện hỹ; do
từ vị chi, đạo tận luận hỹ; do thiên vị chi, đạo tận nhân hỹ. Thử sổ cụ giả,
giai đạo chi nhất ngung dã

墨子蔽於用而不知文,宋子蔽於欲而不知

得,慎子蔽於法而不知賢,申子蔽於勢而不知智,惠子蔽於辭而不知
實,莊子蔽於天而不知人。故由用謂之,道盡利矣,由欲謂之,道盡
嗛矣,由法渭之,道盡數矣,由勢渭之,道盡便矣,由辭謂之,道盡
論矣,由天謂之,道盡因矣。此數具者,皆道之一隅也: Mặc Tử bị tế tắc
về cái dụng mà không biết cái văn; Tống tử bị tế tắc về cái dục mà không
biết cái được; Thận tử bị tế tắc về pháp luật mà không biết dùng người hiền;
Thân tử bị tế tắc về quyền thế mà không biết dùng trí; Huệ tử bị tế tắc về hư
từ mà không biết cái thực lý; Trang tử bị tế tắc về trời mà không biết có
người. Cho nên theo cái dụng, thì cái đạo của thiên hạ chú hết cả về sự cầu
lợi; theo cái sở dục của người ta mà không biết có sự hạn chế, thì cái đạo
của thiên hạ chú hết cả về sự thỏa thích; theo pháp luật, thì cái đạo của thiên
hạ chú hết cả về thuật số; theo quyền thế thì cái đạo của thiên hạ chú hết cả
về sự tiện lợi; theo cái hư từ thì cái đạo của thiên hạ chú hết cả về biện luận;
theo trời thì cái đạo của thiên hạ chú hết cả về nguyên nhân. Mấy điều ấy
đều là một góc của đạo vậy” (Giải tế, XXI).
Đại để cái học của Tuân Tử thường chủ ở sự bài bác các học phái để phát
minh Nho giáo ra. Song cũng vì ông quá thiên về sự biện luận cho nên cái
học của ông tuy có phần sở trường về đường luận lý, nhưng lại sở đoản về
đường tâm đắc, ấy bởi thế mà thành ra không đúng với tinh thần của Khổng
giáo.
Tuân Tử tuy là một cự tử trong Nho giáo, nhưng vì ông hấp thụ cái không
khí đời Chiến Quốc, cho nên ông thiên về mặt biện luận mà bỏ mất cái lối

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.