NHO GIÁO - Trang 23

toàn thể. Lấy cái khiếu biết ấy mà xem xét mọi sự vật, nghĩa là lấy con mắt
tinh thần mà trông suốt đến cái tinh thần của các sự vật, thi không bao giờ
sai được. Cách dùng trực giác như thế cần phải có công phu lắm, vì phải bỏ
hết cái tư tâm, tư dục đi, rồi đem tinh thần minh mẫn của mình chú vào tinh
thần của sự vật mình xét, thì mới thấy rõ được cái chân hình chân tướng của
sự vật ấy.
Cái học dùng trực giác của Nho giáo có phần tương hợp với cái học của
Henri Bergson là một nhà triết học trứ danh ở nước Pháp, đã phát huy ra ở
bên Âu châu ngày nay, chủ lấy trực giác mà xét các chân lý. Tuy rằng lối
Tây học thì bao giờ cũng tinh vi và đúng phương pháp khoa học hơn, nhưng
đó là phần hình thức bề ngoài, chứ lấy phần tinh thần mà so sánh cái học
của Nho giáo với cái học của Henri Bergson, thì thấy có nhiều điều không
xa nhau là mấy. Ta càng xem kỹ cái học của Henri Bergson ta lại càng thấy
rõ cái phần cao minh của Nho giáo.
Nhưng đây chỉ nói lược qua đại ý của các học phái bên Tây để độc giả biết
cái tinh thần Tây học cùng với tinh thần Nho giáo tương đồng, tương dị là
thế nào, mà phê bình và phán đoán cho khỏi sai lầm. Chủ ý là để làm cho rõ
học thuyết của Nho giáo, chứ không phải là để kê cứu cho tường tận các
học phái bên Tây. Song cứ bình tĩnh mà xét, giả sử đem bóc lột các vỏ văn
từ của Tây và Đông khác nhau đi, rút lấy cái tinh thần của Nho giáo và các
học thuyết ở Tây phương đã nói trên kia, thì thấy cái tư tưởng của nhân loại
dẫu Đông, Tây mặc lòng, có lắm khi cũng rung động theo một dịp tương tự
như nhau, và thường hay gặp nhau ở trên một con đường vậy. Chỉ khác
nhau ở sự thực tiễn, mỗi phương có một phong thổ, có một tập quán, cho
nên sự hành động không được tương hợp. Những sự khác nhau ấy há chẳng
phải là thiên lý lưu hành biến hóa, tùy thời mà điều hòa cho vạn sự các đắc
kỳ sở hay sao? Khác là khác hình thức ở bề ngoài, chứ tinh thần chủ động ở
trong thường cũng là một mà thôi. Vậy bất kỳ Đông học hay Tây học, nếu
ta biết lấy cái tinh thần mà suy xét mọi sự vật, ắt là ta biết rõ cái tông chỉ
của các thánh hiền đều chủ ở sự làm cho cao phẩm giá của nhân loại. Các
nhà tân học nước ta ngày nay tưởng không nên vội vàng cho cái học cũ là
dở, chỉ nên suy xét cho kỹ, xem cái hay cái dở do tự đâu để tìm cách bồi bổ

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.