NHO GIÁO - Trang 25

cứ nên tùy thời mà hành động, miễn là lúc nào cũng giữ lấy thái độ điều
hòa, cái bình hành hoàn toàn thì sự hành vi của ta bao giờ cũng được trung
chính. Làm việc gì cũng giữ cho trung bình, vừa phải, không thái quá,
không bất cập, ấy là theo cái đạo trung dung rất phải rất hay. Khổng Tử đem
tông chỉ ấy mà lập thành một cái đạo nhân sinh triết học tức là cái đạo luân
lý rất êm ái, rất hòa nhã, đủ làm cho người ta có cái vẻ thư thái vui thú,
không có những điều lo sợ buồn bã.
Có người nói rằng Nho giáo đã theo thiên lý mà lưu hành để cầu lấy sinh
thú ở đời, thì sao không để cho người ta được phóng khoáng tự do như Lão
giáo, mà lại đem nhân, nghĩa, lễ, nhạc để hạn chế sự hành vi của người ta
làm thành ra có lắm điều câu thúc khó chịu. Xin trả lời rằng Nho giáo sở dĩ
khác Lão giáo chỉ bởi có thế mà thôi. Lão giáo thì cầu lấy sự phóng khoáng
tự do, không muốn bận đến mình, cho mọi việc đã có Đạo là cái chí cao chí
cường làm chủ trương rồi. Nho giáo thì cho nhân, nghĩa, lễ, nhạc là cái
dụng của thiên lý, mình có làm được những điều ấy thì mới theo được thiên
lý mà lưu hành. Vậy cái sinh thú của mình là cầu lấy được thung dung tự
đắc ở trong những điều ấy. Còn những sự câu thúc vụn vặt, thì không phải
là tông chỉ của Nho giáo, đó chẳng qua là về sau những người nho học hiểu
lầm cái tông chỉ ấy cho nên mới bó buộc mình vào những lễ nghi chật hẹp,
làm cho sai lạc mất cái tinh thần thuần túy của Nho giáo. Kỳ thực là những
điều nhân, nghĩa, lễ, nhạc có cái ý nghĩa rất sâu xa, rất rộng rãi, ai đã theo
được con đường ấy mà đi là không có điều gì là câu thúc khó chịu cả. Xét
ra cho kỹ, Nho giáo trọng những điều nhân, nghĩa, lễ, nhạc, chính là một
việc rất quan hệ về đường tâm lý học. Đã hay rằng việc sinh hóa do ở thiên
lý, nhưng người ta ai cũng có tư dục. Nếu không có cái gì giữ cái tư dục cho
có chừng mực, và khiến người ta biết theo đường thẳng mà đi, thì rồi dần
dần tư dục mạnh lên, đem ta đi vào những đường quanh co, lâu thành ra
không biết đường nào là phải mà đi nữa. Bởi thế thánh nhân mới định rõ thế
nào là nhân, thế nào là nghĩa. Nhân là để cho được yên và vui, nghĩa là để
cho biết điều trung chính mà làm. Lại định ra lễ để gây thành những tình
cảm tốt, để tài chế sự hành vi của người ta và để phân ra trật tự cho phân
minh, không có điều gì hồ đồ rối loạn: chế ra nhạc để khiển trên dưới điều

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.