NHO GIÁO - Trang 27

Cái trí xuyên tạc ấy là cái trí thuật, tương phản với cái trí tự nhiên. Hễ lúc
nào ta bỏ mất cái trí tự nhiên đi mà dùng trí xuyên tạc, thì cái trí xuyên tạc
ấy cứ tùy tùng cái tư dục mà khiến người ta thiên về đường tư lợi, thành ra
làm mất cái lẽ điều hòa, cái bình hành tự nhiên.
Vậy nên Khổng Tử chủ dạy người ta cầu lấy đạo nhân, để theo trực giác mà
hành vi, nghĩa là cầu lấy trí tự nhiên hơn là cầu lấy cái trí thuật để suy tính
những điều hơn thiệt. Cái trí thuật thường hay mượn cái lý trí để làm tối
mất chân lý. Lý trí của người ta dẫu minh mẫn thế nào, cũng có giới hạn,
không hiểu biết được nhanh và sâu xa như trực giác. Có lắm điều cứ để tự
nhiên theo trực giác thì biết rõ ngay được, mà dùng lý trí đề suy xét, thì
nghĩ ngợi mãi không ra manh mối. Là vì những sự biết mẫn tiệp và sâu xa
là thường do trực giác, chứ không phải là do lý trí. Song khi đã biết điều gì
rồỉ, tất phải dùng lý trí mà kiểm soát lại, để biết cho rõ những điều đã do
trực giác mà biết. Bởi vậy không nên quá tin ở lý trí, sợ nó làm mất cái
trung, tức là không thích hợp với cái lý tự nhiên của trời đất. Người ta mà
chuyên trọng lý trí thái quá, thì có thể khôn ngoan, tinh xảo lắm thật, nhung
càng khôn ngoan, tinh xảo bao nhiêu thì lại càng làm cho đời người thành
ra một cuộc chiến đấu rất thê thảm bấy nhiêu, không lợi gì cho cái sinh thú
ở đời.
Thiết tưởng đó là cái đặc sắc của Khổng giáo. Không phải là xưa nay người
Tàu không biết có cái học thuyết nào khác nữa, xem như về cuối đời Xuân
Thu, cùng gần đồng thời với Khổng Tử, đã có Mặc Tử xưởng lập lên một
học thuyết, tưởng đời nay chắc hẳn có nhiều người sùng bái. Nhưng Khổng
giáo thì chủ lấy trực giác mà theo thiên lý, Mặc giáo thì chủ lấy lý trí mà
khiến nhân dục. Khổng giáo thì cứ để tùy cảm mà ứng, cốt cầu lấy sự ung
dung thư thái, Mặc giáo thì bất cứ việc gì cũng tìm cái lẽ để làm gì, hay làm
thế nào, trí não cứ phải suy hơn tính thiệt, lúc nào cũng phải lo nghĩ, được
cái này muốn cái nọ, bụng người ta thật là chật vật vất vả. Khổng giáo
muốn tiến hóa theo lẽ tự nhiên, cầu lấy trật tự phân minh, trên dưới hòa
thuận, Mặc giáo cầu lấy sự tiến thủ, lo hạn chế thế lực tự nhiên, thật là thích
hợp với tư tưởng và cuộc sinh hoạt ngày nay vậy. Hai học thuyết ấy đã xung
đột nhau, để chiếm lấy thế lực ở xã hội nước Tàu trong hàng mấy trăm năm.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.