NHO GIÁO - Trang 26

hòa mà cùng nhau hành động cho thích hợp với cái đạo thái hòa của trời
đất. Nhân, nghĩa, lễ, nhạc tự hồ những con đường đã làm sẵn, đi ngang đi
dọc thế nào đã có nêu, có mốc chỉ rõ cả rồi, ta cứ yên lòng mà đi, không
phải nghi ngờ lo sợ điều gì nữa. Ấy là một cách làm cho ta ung dung ở
trong quy củ, tức là được yên và vui. Đã được yên và vui, rồi cứ theo lẽ tự
nhiên của tạo hóa mà đổi thời dục vật, như thế chẳng phải là gây thành một
cái sinh thú ở đời hay sao?
Ta nên biết rằng cái học của Khổng Tử chủ ở đạo nhân. Nhân là cái thể yên
lặng, rất dễ cảm, dễ ứng, mà bao giờ cũng có tình cảm rất hậu, đối với sự
vật gì cũng có lòng cảm xúc, và hành động lúc nào cũng trúng tiết và hợp
thiên lý. Người có nhân thì có trực giác rất mẫn nhuệ, cái gì thoáng qua
cũng trông thấy rõ ràng, hiểu biết ngay được mọi ý nghĩa tinh vi và suốt đến
cái công lý chung cả toàn thể, không phải từ từ lần theo từng mối một, mới
thấu tới cái chân lý. Người không có nhân thì trực giác mờ tối, trông cái gì
cũng không thấy rõ ngay được, cho nên mới phải dùng lý trí mà suy tính
những điều tư lợi.
Lý trí là cái năng lực để suy luận mà biết mọi việc. Song lý trí chỉ hiểu biết
được tính chất và hình thể ở bề ngoài của các sự vật mà thôi. Bởi thế cho
nên lý trí chỉ cho ta biết được những cái mà ta có thể định được nghĩa, tức
là chỉ cho ta biết được cái vỏ ở ngoài, chứ không cho biết được cái tinh thần
linh hoạt ở trong các sự vật. Cái tinh thần ấy có khi tự nhiên ta biết được,
mà không có thể nói rõ ra được. Thường những điều ta nói ra được, hoặc vẽ
ra được, lại không phải là cái tinh thần nữa. Vậy nếu ta bỏ trực giác là cái
biết của tâm, mà chỉ chuyên dùng lý trí, thì thường hay làm cho ta sai lầm.
Đây ta phải hiểu rõ cái học của Khổng Tử thường lấy nhân, trí, dũng làm ba
cái đạt đức của người quân tử. Vậy cái trí tự nhiên hợp với thiên lý rất quý.
Song người đời hay có ý xuyên tạc, dùng trí mà làm những việc đa sự, trái
với lẽ thường, cho nên mới thành ra dở. Mạnh Tử là người tự xưa đến nay
hiểu đạo Nho hơn cả, nói rằng: “Cái đáng ghét trong cái trí là vì cái ý xuyên
tạc, chứ như cái trí trị thủy của vua Vũ, thì không có điều gì là đáng ghét.
Vua Vũ trị thủy làm điều vô sự, nghĩa là cứ thuận cái tính của nước mà cho
nước chảy. Cái trí ấy thật là lớn vậy” (Mạnh Tử, Ly lâu hạ).

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.