NHO GIÁO - Trang 28

Nhưng vì Khổng giáo có phần cao minh hơn và lại thích hợp với tính tình
người Tàu, cho nên mới chiếm được địa vị độc tôn, mà Mặc giáo thì phải
tiêu ma đi mất.
Xét ra cho kỹ, thì đạo nhân của Khổng Tử có cái sở trường là đem nhân đạo
điều hòa với thiên đạo, làm cho đời người có cái vẻ ung dung thư thái.
Nhưng trong cái sở trường ấy có những sở đoản, thiết tưởng ta cần phải
biết. Một là đạo nhân không phổ thông được cho đại đa số của nhân chúng,
chỉ có một phần ít người có tư cách đặc biệt mới tu được đến bậc nhân mà
thôi, con người thường vẫn cứ bị vật dục quyến rũ, hay khuynh hướng về
đường công lợi, Tuy thánh nhân có dự bị lễ nghĩa để tái chế cái tư dục của
người ta, cho khỏi chếch lệch thái quá, song cái thế lực của lễ nghĩa cũng
không lan ra được đến hạng người hạ lưu không có học thức. Thành thử
phần nhiều người trong xã hội vẫn đắm đuối ở trong vật dục, mà đạo thánh
hiền tuy hay thật, nhưng không thi hành được khắp thiên hạ. Hai là một cái
học thuyết chú trọng trực giác như Nho giáo, thì chỉ thi thố ra được ở thời
đại nhân dân còn có tính chất phác, sự làm ăn còn giản dị, chứ khi nhân trí
đã biến thiên, khoa học đã thịnh hành, cuộc sinh hoạt thành ra phiền phức
như thời nay, thì cái học thuyết ấy vị tất đã có mấy người chịu theo, mà có
theo nữa, cũng chưa chắc đã theo được đúng. Vì là trực giác tuy có mẫn
tiệp, các nhà học vấn thời nay vẫn cần đến luôn, song nó chỉ là lợi khí của
một hạng người thượng trí dùng được mà thôi, còn số người thường thì
dùng trực giác không được chắc chắn. Dùng trực giác, thì chỉ cậy ở tia sáng
của tinh thần mà thôi, nhưng khi mà tâm người ta không chính, ý không
thành, thì biết đâu tia sáng ấy lại không bị thế lực của tập quán hay thế lực
khác làm cho nó không chiếu đúng vào chân lý được. Vậy nên phải dùng lý
trí mà kiểm soát những điều mình đã biết, để biết chắc sự biết của mình là
xác thực. Bởi thế cho nên ngày nay người ta tuy vẫn công nhận trực giác là
cách để hiểu biết rất quý, rất tốt, nhưng vẫn cần phải dùng lý trí để thí
nghiệm hoặc để phân tích những lẽ mình đã biết, cho rõ ràng chắc chắn.
Song phải cần có một điều là đừng để cho lý trí làm nô lệ tư dục, thì sự
dùng lý trí là một việc rất hay. Tưởng ý ấy không trái tông chỉ của Nho
giáo, vì Nho giáo cốt phải tùy thời mà biến đổi để cho hợp đạo trung. Vậy

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.