NHO GIÁO - Trang 248

nhượng không có vậy; sinh ra là có đố kỵ, thuận cái tính ấy thì thành ra tàn
tặc, mà lòng trung tín không có vậy; sinh ra là có lòng muốn của tai mắt, có
cái thích về thanh sắc, thuận cái tính của người ta, ắt là sinh ra sự tranh
đoạt, hợp với việc phạm phận, loạn ly mà thành ra tàn bạo. Cho nên phải có
thầy, có phép để hóa đi, có lễ nghĩa để đạo dẫn, nhiên hậu mới có từ nhượng
hợp văn lý mà thành ra trị. Lấy thế mà xem, thì cái tính của người ta ác là rõ
lắm, mà cái thiện của tính là người ta gây ra vậy. Cho nên cây gỗ cong phải
đợi cái khuôn uốn, rồi hơ nóng lên mà uốn mới thẳng được. Một miếng sắt,
miếng thép, phải đợi có mài dũa mới sắc. Cái tính ác của người ta cũng thế,
ắt phải đợi có thầy, có phép dạy bảo, rồi sau mới có lễ nghĩa và mới là trị.
Người ta không có thầy, có phép, thì thiên lệch nguy hiểm mà không chính,
không có lễ nghĩa thì bội loạn mà không trị. Đời xưa thánh nhân lấy cái tính
của người ta là ác, lấy sự thiên lệch nguy hiểm mà không chính, bội loạn
mà không trị, bởi thế mới khởi xướng lên lễ nghĩa và chế định ra pháp độ
để kiểu sức cái tính tình của người ta mà chính lại, để nuôi hóa cái tính tình
của người ta mà đạo dẫn, khiến cho theo cái trị, hợp cái đạo. Người ta ai
hóa theo thầy, theo phép, tích tập văn học theo lễ nghĩa là người quân tử;
buông cái tính tình để yên sự nom dòm mà trái lễ nghĩa là kẻ tiểu nhân. Lấy
thế mà xem, thì cái tính ác của người ta rõ lắm, mà cái thiện là người ta gây
ra vậy”.
Trong thiên Tính ác, Tuân Tử viện các lẽ để bác cái thuyết tính thiện của
Mạnh Tử. Ông cho rằng vì cái tính vốn ác cho nên thánh nhân mới đặt ra
nhân nghĩa, lễ phép để kiểu sức cái tính cho thiện, chớ nếu tính đã thiện, thì
còn cần gì đến bậc thánh, bậc vương và nhân nghĩa, lễ phép làm gì nữa.
“Phàm người ta muốn làm điều thiện là vì cái tính ác vậy. Hễ mỏng là muốn
dày, xấu là muốn đẹp, hẹp là muốn rộng, nghèo là muốn giàu, hèn muốn
sang. Nếu không có ở trong là ắt phải tìm ở ngoài... Cái tính của người ta ắt
vốn không có lễ nghĩa, cho nên phải cưỡng mà học để cho có lễ nghĩa, tính
không biết lễ nghĩa, cho nên phải tư lự để tìm cho biết lễ nghĩa. Vậy nên cứ
theo tính, thì người ta không có lễ nghĩa. Người mà không có lễ nghĩa thì
loạn, không biết lễ nghĩa thì trái (Tính ác, XXIII).

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.