NHO GIÁO - Trang 250

gọi là thánh nhân. Ai có cầu thì rồi mới được, có làm thì rồi mới nên, có
tích mãi lên thì rồi mới cao, có hết cái thiện thì rồi mới là thánh, cho nên
thánh nhân là người tích nhiều đức hạnh. Người ta tích việc cày cấy mà làm
kẻ nông phu, tích việc đục đẽo mà làm thợ, tích hàng hóa mà làm người
buôn bán, tích lễ nghĩa mà làm người quân tử. Con người làm thợ không
đứa nào là không nối nghề của cha, mà dân trong nước không ai là không
yên quen lối mặc của mình, ở nước Sở mặc theo lối nước Sở, ở nước Việt
mặc theo lối nước Việt, ở đất Trung hạ mặc theo lối Trung hạ, ấy không
phải là thiên tính, nhưng là thuận theo cái tích tập mà khiến ra như thế. Cho
nên người nào biết cẩn sự chú thố, thận cái tập tục, làm vĩ đại cái tích lập,
thì làm quân tử; buông cái tính tình mà không đủ học vấn, thì làm tiểu nhân.
Làm quân tử thì thường yên và vinh, làm tiểu nhân thì thường nguy và
nhục. Phàm người ta ai chẳng muốn yên và vinh mà ghét nguy và nhục,
song chỉ có quân tử mới làm được những điều mình thích, tiểu nhân thì
càng ngày càng gây thêm những điều minh ghét” (Nho hiệu, VIII).
Sự giáo dục của quân tử chủ ở sự tích, nghĩa là góp thành cái thói quen, cứ
làm mãi điều thiện, để sửa đổi cái tính ác tự nhiên của người ta. Lổi giáo
dục ấy nếu biết cách dùng thì không phải là không có giá trị, nhưng về sau
dùng bậy, thành ra lối áp chế đè nén, làm mất nhân cách tự chủ của con
người ta, và thành một lưu tệ trong sự giáo dục của người Á Đông ta tự xưa
đến nay vậy.
Sư pháp. Bởi sự giáo dục phải đè nén để đổi cái tính ác cho nên Tuân Tử
rất trọng thầy và phép. Ông nói: “Người không có thầy, không có phép mà
biết, thì tất đi ăn trộm, dũng mãnh thì tất đi làm giặc, tài giỏi thì làm loạn,
xem xét thì làm những điều quái lạ, biện luận thì nói những điều hoang
đường giả dối. Người có thầy có phép mà biết, thì chóng thông; dũng mãnh
thì chóng có oai; tài giỏi thì chóng thành; xem xét thì chóng biết hết lý; biện
luận thì chóng biết phải, trái. Cho nên có thầy, có phép là cái của quý của
người ta; không có thầy, không có phép là cái vạ lớn của người ta vậy.
Người mà không có thầy, không có phép, thì trọng cái tính, có thầy có phép,
thì trọng cái tích tập. Theo thầy và theo phép là sở đắc ở cái tình, mà không
phải sở thụ ở cái tính. Tính không đủ để độc lập mà trị” (Nho hiệu, VIII).

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.